Ông Blinken sẽ có cuộc hội đàm ở Kazakhstan ngày 28/2, sau đó thăm Uzbekistan và gặp gỡ ngoại trưởng cả năm quốc gia Trung Á từng thuộc Liên Xô tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sắp gặp gỡ ngoại trưởng cả 5 quốc gia Trung Á từng thuộc Liên Xô tại thủ đô Astana của Kazakhstan Ảnh: Wikipedia |
Donald Lu, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về khu vực Trung và Nam Á, cho biết, Mỹ rất thực tế khi xác định rằng 5 quốc gia này sẽ không chấm dứt quan hệ với Nga hoặc nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Blinken sẽ thể hiện rằng Mỹ là một “đối tác đáng tin cậy”, khác với cả Mátxcơva và Bắc Kinh. “Chúng tôi có những thứ để đề xuất về kinh tế, nhưng cũng có những thứ về giá trị để có thể nêu ra với họ”, ông Lu nói với báo chí.
Giới chuyên gia và ngoại giao cho rằng các lãnh đạo Trung Á gặp khó khi đã có những thoả thuận an ninh với Mátxcơva, cùng với việc Nga có ảnh hưởng lớn về an ninh và kinh tế ở khu vực này, bao gồm khía cạnh về thị trường lao động. Cả năm nước này đều bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu hôm 23/2 về nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.
Đối với Mỹ, “chỉ có bầu trời mới là giới hạn ở Trung Á vào lúc này”, bà Jennifer Brick Murtazashvili, một chuyên gia về khu vực tại Viện Hoà bình quốc tế Carnegie, nhận định. Theo bà, các lãnh đạo Trung Á cũng đang muốn tách khỏi tầm ảnh hưởng của những nước lớn, nhưng vị trí địa lý và tình hình kinh tế khiến họ không thể làm gì nhiều. “Vì thế, tôi nghĩ Mỹ có một cơ hội rất thực tế để chủ động trao đổi với lãnh đạo các nước này và đáp ứng nhu cầu của họ”, bà nói.
Trong số các nước Trung Á, Kazakhstan, nước có biên giới trên bộ dài nhất với Nga, có quan hệ phức tạp nhất với Mátxcơva. Năm ngoái, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thăm Nga và tái khẳng định quan hệ đối tác với Mátxcơva. Tuy nhiên, ông Tokayev gần đây có cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thúc giục đàm phán để kết thúc xung đột dựa trên luật quốc tế. Một tháng trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine, ông Tokayev nhờ Nga đưa lực lượng sang để trấn áp nổi dậy, nhưng nhanh chóng yêu cầu họ về nước vì dư luận phản đối.
Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon gây xôn xao sau khi xuất hiện video cho thấy ông đang nặng lời với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một hội nghị khu vực, cho rằng Mátxcơva không quan tâm đến lợi ích của các nước Trung Á.
Xung đột ở Ukraine không phải sự kiện đầu tiên khiến Trung Á gây chú ý. Uzbekistan đi đầu khi ủng hộ quân đội Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan. Bà Murtazashvili cho rằng Mỹ đã sai lầm khi coi Trung Á là “vũng nước tù”, và sẽ làm tốt hơn với chiến lược đề cao quyền tự trị của các lãnh đạo khu vực. “Những nước này đang ở vị trí thực sự thú vị để cân bằng giữa Nga và Trung Quốc, và nhiều nước đã làm điều này khá khéo léo”, bà đánh giá.
Nga tố Mỹ phá hoại quan hệ với châu Phi
Ngày 25/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói rằng Mỹ đang “gây áp lực chưa từng có” lên các nước châu Phi, nỗ lực phá hoại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi sắp tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại thành phố St. Petersburg vào tháng 7 năm nay. Hội nghị được coi là nỗ lực nhằm củng cố quan hệ với các nước châu Phi khi Nga đang bị phương Tây cô lập.
Thứ trưởng Mikhail Bogdanov nhắc lại cáo buộc của Nga, rằng “tập thể phương Tây” đang triển khai một chiến dịch cô lập Mátxcơva. “Mỹ và các đồng minh đang tiến hành một chiến dịch chưa từng có nhằm cô lập Nga về kinh tế và chính trị, bao gồm cản trở hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại St. Petersburg”, ông Bogdavov nói với Tass. “Từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, tập thể phương Tây đã và đang gia tăng đáng kể sức ép lên các nước châu Phi, thông qua việc đe dọa trừng phạt, dừng hỗ trợ nhân đạo và tài chính”, ông nói.
Trước sức ép của phương Tây, Mátxcơva củng cố và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Phi. Nam Phi đang tổ chức cuộc tập trận kéo dài 10 ngày cùng quân đội Nga và Trung Quốc. Hãng quân sự tư nhân Nga Wagner cũng đưa lực lượng đến dẹp quân nổi dậy ở Mali và Trung Phi.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi tại Washington, để tăng cường quan hệ với châu lục này nhằm đối phó sự hiện diện ngày càng lớn của Nga và Trung Quốc ở đó.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói Mỹ đang tạo ra những thông tin bịa đặt về Nga, cho rằng Nga làm cho châu lục này chết đói hoặc tăng giá nhiên liệu.