Trung Quốc nói cứng trước thềm phán quyết của tòa

Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa trong một đợt tập trận bắn đạn thật trên biển Đông. Ảnh: AP
Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa trong một đợt tập trận bắn đạn thật trên biển Đông. Ảnh: AP
TP - Lãnh đạo Trung Quốc hôm qua tuyên bố nước này sẽ không bao giờ thỏa hiệp về chủ quyền, trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực quốc tế sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện liên quan tranh chấp trên biển Đông.

“Không quốc gia nào nên kỳ vọng chúng tôi nuốt thuốc đắng gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia, các lợi ích an ninh và phát triển…Chúng tôi không sợ rắc rối”, ông Tập tuyên bố.


“Trung Quốc không ham muốn bất kỳ lợi ích nào của nước khác, nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ các quyền hợp pháp của mình”, ông Tập nói. “Những nước khác không nên kỳ vọng chúng tôi sẽ mặc cả những lợi ích cốt lõi của chúng tôi hoặc phải lãnh hậu quả từ việc làm tổn hại đến những lợi ích liên quan đến chủ quyền, an ninh và phát triển của chúng tôi”, Chủ tịch Trung Quốc nói.

Bài phát biểu cũng chứa thông điệp được coi là nhằm thẳng vào Mỹ, trong bối cảnh Washington đang thực hiện các hoạt động quân sự gần khu vực tranh chấp trên biển Đông. “Trung Quốc sẽ tiếp tục cách tiếp cận quốc phòng chủ động. 

Chúng tôi sẽ không tạo ra sự đe dọa thường xuyên với việc sử dụng lực lượng quân sự hay phô trương sức mạnh quân sự ở cửa ngõ của quốc gia khác. Việc khoe cơ bắp như vậy không thể ngăn cản được ai”, ông Tập nói, với ngụ ý rõ ràng nhằm vào những chuyến tuần tra của tàu chiến Mỹ ở khu vực. 

Có vẻ nhằm vào các nước láng giềng, ông Tập nói Trung Quốc “tin rằng đối đầu nên được thay thế bằng hợp tác và độc quyền (sức mạnh quốc tế) nên được thay thế bởi khái niệm cùng thắng”. Các nhà phân tích cho rằng, bài phát biểu với những lời lẽ mạnh mẽ của ông Tập là nhằm gửi đi một thông điệp cảnh báo đến các ứng viên tổng thống Mỹ sau khi họ cam kết sẽ thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc.  

Mỹ sẽ đáp trả

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với các quan chức Trung Quốc rằng, Washington sẽ triển khai các biện pháp đối phó nếu Bắc Kinh có thêm hành động khiêu khích trên biển Đông, các nguồn tin ngoại giao Mỹ cho biết. 

Ví dụ, nếu Bắc Kinh đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bao trùm khu vực tranh chấp trên biển Đông, thì “chúng tôi buộc phải ra tay”, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo hôm 30/6 dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ kể lại thông điệp ông Kerry đưa ra tại cuộc đối thoại Kinh tế Chiến lược Mỹ - Trung hồi đầu tháng 6.

 Ông Kerry không nói rõ những biện pháp đối phó nào Mỹ có thể triển khai, nhưng có thể là Mỹ sẽ gia tăng hoạt động bảo đảm tự do hàng hải và triển khai các đơn vị quân sự trên biển Đông.

Ông Kerry cũng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn sẽ được đưa ra ngày 12/7. “Thế giới đang chờ xem” Trung Quốc phản ứng như thế nào với phán quyết mà tòa trọng tài đưa ra, ông Kerry nói.

 Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ không hài lòng với việc Trung Quốc vận động hành lang một số quốc gia thành viên của ASEAN để họ không ủng hộ tiến trình trọng tài. “Chúng tôi biết điều các ông đang làm - chia rẽ ASEAN”, một nguồn tin khác dẫn lời ông Kerry.

 Ngược lại, quan chức Trung Quốc đáp: “Chúng tôi không chịu ràng buộc bởi UNCLOS (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển)”, một nguồn tin nói.

Trong một động thái khác, Mỹ đã thông báo với Trung Quốc rằng Washington sẽ kiềm chế thực hiện những hành động cụ thể trên biển Đông trong thời gian trước khi Bắc Kinh tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 vào tháng 9 tới, Kyodo dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết. Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau bên lề hội nghị diễn ra tại Hàng Châu ở miền đông Trung Quốc.

Ngày 1/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài vụ kiện Philippines – Trung Quốc sẽ ra phán quyết cuối cùng vào 12/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam đã được thông báo về việc Tòa trọng tài sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2016. Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở biển Đông và là quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện và mong muốn Tòa trọng tài sẽ đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.