Các luật sư quan ngại quân sự hóa tại biển Đông

TP - Hội nghị Luật gia châu Á-Thái Bình Dương (COLAP) lần thứ 6 vừa ra Tuyên bố Kathmandu, trong đó có đoạn bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình quân sự hóa tại biển Đông, khả năng xung đột quân sự trên biển, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh khu vực.

COLAP lần thứ 6 diễn ra tại thủ đô Kathmandu của Nepal với sự tham gia của nhiều luật sư, luật gia từ 20 nước châu Á-Thái Bình Dương và các khách mời quốc tế. Hội nghị do Hội đồng Hòa bình và Đoàn kết Nepal cùng Hội Luật gia Cấp tiến Nepal tổ chức, với sự tài trợ của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế. Hội nghị đã ra Tuyên bố Kathmandu, đề cập các vấn đề hòa bình khu vực và toàn cầu, quyền con người, quyền kinh tế và phát triển, dân chủ…

Tuyên bố Kathmandu có đoạn: “Trong trường hợp cụ thể về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Hội nghị quan ngại sâu sắc về tình hình triển khai quân sự tại biển Đông và sự can thiệp của các nước khác tại khu vực sẽ dẫn đến khả năng gây ra xung đột quân sự trên biển, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh khu vực”.

Hội nghị kêu gọi tất cả quốc gia sử dụng các chế tài của Liên Hợp Quốc (đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển) và/hoặc thông qua đàm phán của các bên liên quan để giải quyết tranh chấp tại quần đảo Trường Sa. Trong đàm phán, các nước tranh chấp phải tôn trọng nhau vì đều bình đẳng về chủ quyền; đồng thời các nước phải có sự quan tâm thích đáng đến quyền tự quyết của những nước còn lại.

Hội nghị cũng đồng thời kêu gọi giới luật gia châu Á - Thái Bình Dương tổ chức các cuộc họp, hội thảo để bàn luận, tìm ra giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.

COLAP lưu ý các nước tuân theo luật pháp quốc tế về việc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực và cần phải giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình.

Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Việc cải tạo đất của Trung Quốc đã biến 7 bãi đá, gồm Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Vành Khăn, Tư Nghĩa, Ga Ven và Xu Bi, thành đảo nhân tạo, phá vỡ nguyên trạng, hủy hoại nhiều rạn san hô nói riêng, hệ sinh thái biển nói chung.

Theo các đại biểu, việc xây dựng đảo nhân tạo có thể cải thiện năng lực triển khai nhanh tàu chiến, máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Hiện tại, các tàu hải quân và hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở biển Đông phải trở lại các căn cứ duyên hải Trung Quốc để được tái trang bị, nạp thêm nhiên liệu, để thủy thủ đoàn lên bờ nghỉ ngơi. Các cơ sở mới ở Trường Sa có thể tích trữ nhiên liệu, thiết bị để rồi chuyển chúng lên tàu Trung Quốc hoạt động trong khu vực…

MỚI - NÓNG