Trung Quốc âm mưu kiểm soát không phận biển Đông

Báo Mỹ đưa tin Trung Quốc vừa triển khai hệ thống tên lửa phòng không Hongqi-9 ở Hoàng Sa. Ảnh: Getty Images
Báo Mỹ đưa tin Trung Quốc vừa triển khai hệ thống tên lửa phòng không Hongqi-9 ở Hoàng Sa. Ảnh: Getty Images
TP - Theo kế hoạch 3 giai đoạn nhằm kiểm soát biển Đông, Trung Quốc năm nay sẽ bước sang giai đoạn 2 là xây dựng năng lực nhằm kiểm soát vùng trời trên biển Đông.

Đó là nhận định của ông Trần Việt Thái, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, về phương hướng hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông trong năm nay. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 18/2, ông Thái cho rằng, tình hình biển Đông năm 2016 sẽ mang đặc trưng là đa dạng về chủ thể tham gia, đặc biệt sau khi lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu ra đảo Ba Bình và việc Mỹ đưa tàu tiến sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép. Vì thế, tình hình biển Đông năm nay phức tạp không thuần túy từ phía Trung Quốc đại lục mà từ các bên khác như Đài Loan, Philippines, nhất là sau khi Tòa án trọng tài quốc tế trong một vài tháng tới sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines, ông Thái nói.

Theo ông, tình hình biển Đông năm 2016 sẽ diễn biến cụ thể như thế nào?

Với kế hoạch 3 giai đoạn nhằm kiểm soát biển Đông, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 với việc xây dựng đảo nhân tạo, xây dựng sân bay, đưa tàu bè ra đó nhằm kiểm soát mặt biển, Trung Quốc năm nay sẽ chuyển sang giai đoạn 2 là xây dựng năng lực để khống chế, kiểm soát vùng trời ở khu vực này. Giai đoạn cuối cùng sẽ là đưa máy bay chống ngầm và các thiết bị săn ngầm ra khu vực nhằm kiểm soát dưới đáy biển.

Một số chuyên gia quốc tế cho rằng, năm nay Trung Quốc sẽ lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Ông nghĩ sao?

Trung Quốc âm mưu kiểm soát không phận biển Đông ảnh 1

Ông Trần Việt Thái, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao.

Trung Quốc sẽ rút kinh nghiệm từ các năm trước, rằng sau khi Bắc Kinh tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông, Mỹ vẫn đưa máy bay vào mà Trung Quốc không làm gì được vì chưa đủ năng lực kiểm soát trên không. Họ chưa lắp đặt radar ở đó, và nếu có cũng chưa đủ khả năng phát hiện và đưa máy bay lên để ngăn chặn. Ở biển Đông, Trung Quốc sẽ không tuyên bố ADIZ công khai mà lẳng lặng làm cho đến khi nào có đủ năng lực. Hơn nữa, biển Đông khác với biển Hoa Đông vì khu vực này có nhiều bên liên quan hơn, giao thông đi lại tấp nập, nhộn nhịp hơn.

Ông nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng Mỹ vẫn chưa có chiến lược rõ ràng để đối phó các bước đi của Trung Quốc trên biển Đông?

Mỹ rất nghiêm túc với chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, nhưng đây là chiến lược lâu dài. Năm nay là năm bầu cử ở Mỹ, và trong nội bộ của họ cũng đang chưa thực sự thống nhất, nên Washington có sự lúng túng nhất định trong việc đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược tái cân bằng của Mỹ là rõ ràng, rằng họ đang duy trì quan hệ với các đồng minh                            
trong khu vực, gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines...; xây dựng quan hệ với các đối tác như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… Washington cũng đang giúp các nước xây dựng năng lực nhận thức trên biển, năng lực nắm bắt vấn đề và hoạt động trên biển, như giúp Philippines phát triển lực lượng cảnh sát biển, lắp đặt radar, cứu hộ cứu nạn…

Khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng năng lực kiểm soát trên không và tìm cách đẩy, đuổi các lực lượng, phương tiện đi vào khu vực, Mỹ phản ứng bằng cách đưa tàu, máy bay vào khu vực để thách thức những tuyên bố của Trung Quốc, cùng các nước thúc đẩy các nguyên tắc về tự do hàng hải… Tuy nhiên, trong nội bộ của họ vẫn có những tiếng nói chưa thống nhất về bước đi và mức độ mạnh mẽ. Ví dụ, trong trường hợp tàu khu trục Mỹ đi gần một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa trong năm 2015, trong nội bộ Mỹ còn có ý kiến cho rằng bước đi đó yếu, chưa đủ hoặc không nên.

Năm nay Lào là chủ tịch ASEAN. Theo ông, Lào sẽ xử lý vấn đề biển Đông như thế nào?

Khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Lào gần đây, lãnh đạo Lào đã khẳng định rõ quan điểm của Lào là không được quân sự hóa, cần tôn trọng quyền tự do hàng hải trên biển Đông. Từ đó có thể hy vọng ban lãnh đạo mới của Lào sẽ tìm ra được một công thức chấp nhận được cho tất cả các bên, để tránh lặp lại việc không đưa ra được tuyên bố chung về vấn đề biển Đông do nước bên ngoài tác động. Các lãnh đạo ASEAN và Mỹ vừa họp tại Sunnylands và đạt được một số thống nhất trong quan điểm về biển Đông. Lào sẽ đóng vai trò điều phối nhất định, nhưng thực tế như thế nào còn phải chờ xem.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.