Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông bằng đường băng, bắp cải

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.
Trung Quốc tìm cách củng cố yêu sách phi pháp ở Biển Đông bằng cách vừa tăng năng lực quân sự trên đảo nhân tạo, vừa trồng rau để chối bỏ luật quốc tế.

Tờ SCMP ở Hong Kong tuần trước dẫn nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc cho biết Bắc Kinh từ năm 2010 đã lên kế hoạch lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng quần đảo Đông Sa, hiện do Đài Loan kiểm soát. Nguồn tin khẳng định Trung Quốc đang chờ thời cơ thích hợp để công bố kế hoạch này.

Giới quan sát cho rằng kế hoạch lập ADIZ là một phần trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc bằng những tuyên bố chủ quyền phi pháp, trái với luật pháp quốc tế. Theo bình luận viên Ben Werner của Viện Hải quân Mỹ, Trung Quốc đang tiếp tục các bước đi để thiết lập khuôn khổ nhằm kiểm soát được hoàn toàn khu vực này.

Khi hải quân Mỹ tăng cường triển khai các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông, toan tính của Trung Quốc là củng cố yêu sách phi pháp bằng cách mở rộng ảnh hưởng về kinh tế tại các thực thể, đồng thời tăng cường năng lực kiểm soát vùng trời, vùng biển bằng biện pháp quân sự, Werner nhận định.

Để có thể kiểm soát được vùng trời trên Biển Đông, Trung Quốc nhiều năm qua đã tiến hành các hoạt động bồi đắp trái phép 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bắc Kinh cho xây dựng tại đây 3 đường băng dài hơn 3.000 mét, đủ khả năng tiếp nhận tiêm kích và các loại máy bay quân sự cỡ lớn, đồng thời bố trí các hệ thống radar, khí tài giám sát hiện đại.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng để tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông. Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc rất quan tâm đến khía cạnh chính trị của vấn đề này và ngần ngại thực hiện những động thái đi quá xa so với trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.

Quan trọng hơn, những hạn chế về hậu cần và công nghệ cũng có thể cản trở Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ tại Biển Đông, theo Poling.

"Lý do trì hoãn luôn là Trung Quốc không đủ khả năng để thực thi ADIZ này, nhất là đối với vùng trời trên quần đảo Trường Sa", Poling nói. "Quần đảo nằm quá xa Trung Quốc và Bắc Kinh không có không quân thường trực đồn trú tại đó".

Quần đảo Trường Sa với hơn 100 thực thể gồm đảo nổi, đảo chìm cùng các đá, rạn san hô, nằm cách căn cứ lớn của không quân, hải quân Trung Quốc ở Hải Nam hơn 1.000 km. Trung Quốc đòi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên "quyền lịch sử" và bản đồ "đường 9 đoạn" do nước này tự vẽ, dù chúng đi ngược với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), cũng như phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

Trung Quốc năm 2013 từng vội vàng tuyên bố lập ADIZ trên Biển Hoa Đông, khi căng thẳng trong tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tại đây gia tăng. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không đủ sức thực thi ADIZ này. Không quân Trung Quốc không thể cạnh tranh được với lực lượng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ trong khu vực, Poling cho biết.

Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc dường như đang tìm cách tránh lặp lại sai lầm đó ở Biển Đông. Ba đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo nhân tạo tại đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn trên lý thuyết có thể là bàn đạp để không quân Trung Quốc thực thi ADIZ trên Biển Đông.

"Không sớm thì muộn, chúng ta sẽ chứng kiến các máy bay chiến đấu được Trung Quốc triển khai đến đảo nhân tạo ở Trường Sa. Họ không xây dựng 72 nhà chứa tiêm kích tại đây rồi bỏ không", Poling nói. "Tuy nhiên, vẫn khó hình dung cách họ có thể thực thi ADIZ, bởi việc bảo dưỡng để các máy bay này không bị rỉ sét trong điều kiện độ mặn cao tại các đảo này là một thách thức rất lớn".

Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông bằng đường băng, bắp cải ảnh 1 Máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không KJ-500 và máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 do Trung Quốc triển khai trái phép ở đá Chữ Thập, thuộc quân đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 9/5. Ảnh: ISI.

Poling cảnh báo Trung Quốc có thể thực hiện chiến thuật "đi từng bước", bắt đầu bằng cách tuyên bố ADIZ tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tính toán này sẽ khiến Hoàng Sa có vai trò ngày càng quan trọng trong tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

"Đây là lý do Trung Quốc không chỉ xây dựng thêm nhiều căn cứ quân sự mới tại đây", cựu đại tá hải quân Ấn Độ Sarabjeet Parmar nói trong cuộc hội thảo trực tuyến do Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ tổ chức ngày 3/6.

"Hoạt động mới nhất của Trung Quốc là trồng rau tại quần đảo Hoàng Sa", Parmar nói. "Để trồng trọt thì trước hết phải có đất, điều này có thể dẫn tới giả định rằng Trung Quốc đang thực hiện các bước đi quyết liệt để canh tác nông nghiệp tại Hoàng Sa. Tất nhiên, họ cũng cần phải có nước".

Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết hải quân Trung Quốc đã thu hoạch khoảng 750 bắp cải bao tử, cải thảo và xà lách trên các bãi cát ở quần đảo Hoàng Sa.

Global Times dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng đợt canh tác thử nghiệm này là bước đầu tiên để thực hiện giai đoạn chăn nuôi lợn, gà trên đảo, hỗ trợ đời sống kinh tế của người dân, tạo điều kiện để đưa thêm người tới đảo sinh sống.

Parmar cho rằng đây là một phần trong toan tính của Trung Quốc nhằm diễn giải "một cách chọn lọc" các điều khoản của UNCLOS theo hướng có lợi cho họ và biến các thực thể ở Hoàng Sa thành "đảo", có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.

Điều 121 của UNCLOS quy định tiêu chí xác định "đảo" là vùng đất tự nhiên có nước bao bọc và luôn ở trên mặt nước khi thuỷ triều lên, có khả năng duy trì điều kiện cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng.

"Nếu các thực thể có thể canh tác nông nghiệp, hoạt động mua bán hàng hóa có khả năng diễn ra", ông nói. Khi hàng hóa được mua bán, trao đổi, đời sống kinh tế sẽ hình thành.

Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông bằng đường băng, bắp cải ảnh 2 Đường băng và cơ sở quân sự Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 27/3. Ảnh: CSIS.

"Việc đặt tên cho các thực thể và trồng trọt đều là hoạt động nhằm thể hiện chủ quyền. Trung Quốc tính toán rằng cùng với thời gian, các hoạt động này sẽ giúp củng cố yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông", Parmar nói.

Ông nhận định khi Trung Quốc tiếp tục các động thái trên những thực thể chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, 12 tháng tới sẽ là thời gian rất quan trọng đối với ổn định hàng hải trong khu vực. Khi các quốc gia khôi phục sau Covid-19, Trung Quốc có thể tiếp tục thăm dò để xem họ có thể đi xa đến đâu trong các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Poling nhận định việc tung ra thông tin về kế hoạch lập ADIZ của Trung Quốc là một phần trong hoạt động "khua chiêng gõ mõ", vốn được các nhà ngoại giao "chiến lang" của nước này tăng cường thực hiện gần đây nhằm phô trương thanh thế.

"Dù vậy, họ vẫn có thể đi xa hơn, khi tuyên bố lập ADIZ ở nam Biển Đông, dù biết rằng đó chỉ là động thái mang tính giương oai diễu võ là chính. Không ai có thể đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không bật đèn xanh cho một ý tưởng thực sự tồi tệ, nhất là khi chúng ta đã chứng kiến chủ nghĩa dân tộc và mức độ nhạy cảm cao của Trung Quốc được thể hiện trong đại dịch Covid-19", Poling nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.