Ngày 12/12/2019, Trung Quốc gửi công hàm số CML/14/2019 lên Tổng thư ký LHQ để đáp lại hồ sơ mà Malaysia gửi đến Ủy ban ranh giới thềm lục địa từ ngày 12/12/2019.
Mỹ gửi công hàm này chỉ để bày tỏ quan điểm mà Trung Quốc đưa ra về các yêu sách trên biển Đông chứ không bình luận về hồ sơ mà Malaysia trình lên LHQ.
Đại sứ Mỹ nói rằng vì công hàm của Trung Quốc khẳng định các yêu sách trên biển quá mức, không phù hợp với UNCLOS 1982 và mục đích của những yêu sách đó là nhằm can thiệp vào quyền và tự do mà Mỹ và các quốc gia khác được hưởng, nên Mỹ coi việc nêu phản đối chính thức những yêu sách trái pháp luật đó và diễn giải luật quốc tế về biển như phản ánh trong UNCLOS 1982 là cần thiết.
Trong công hàm, Trung Quốc khẳng định nước này “có chủ quyền đối với Nam Hải Chư Đảo, bao gồm Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Nam Sa; Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, dựa trên Nam Hải Chư đảo; Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, dựa trên Nam Hải Chư Đảo; Trung Quốc có các quyền lịch sử trên Biển Đông”.
Trung Quốc đưa ra yêu sách tương tự sau phán quyết vào ngày 12/7/2017 của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện mà Philippines là đương đơn.
Công hàm của Đại sứ Mỹ phản đối những khẳng định đó của Trung Quốc. Mỹ nhắc lại những phản đối trước đây đối vơi các yêu sách trên biển của Trung Quốc.
Cụ thể, Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” trên biển Đông vì yêu sách này vượt quá những quyền trên biển mà Trung Quốc có thể đòi hỏi dựa trên luật quốc tế, trong đó có UNLOS 1982.
Mỹ nhấn mạnh rằng Tòa trọng tài quốc tế đã kết luận trong phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc với Philippines và Trung Quốc rằng các yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS 1982 vì vượt qua giới hạn các vùng biển mà Trung Quốc có thể được hưởng theo quy định của UNLOS 1982.
Ngoài ra, Mỹ nhắc lại quan điểm rằng không thể có bất kỳ yêu sách nào về vùng nước nào nằm giữa các đảo nằm rải rác trên biển Đông và bất kỳ yêu sách nào về vùng biển dựa trên việc coi các nhóm đảo là quần đảo.
UNCLOS 1982 quy định rõ ràng và toàn diện các tình huống mà theo đó những quốc gia ven biển có thể xác định đường cơ sở bình thường.
Không điều khoản nào trong UNCLOS 1982 quy định ngoại lệ có thể áp dụng để Trung Quốc có thể vẽ các đường cơ sở thẳng bao quanh các hòn đảo và cấu trúc nằm rải rác mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên biển Đông. Hơn nữa, Mỹ phản đối bất kỳ việc đòi hỏi quyền lợi trên biển nào dựa trên những cấu trúc không phải là đảo theo như định nghĩa trong Điều 121(1) của UNCLOS 1982, và do đó không thể tạo ra vùng biển của Trung Quốc theo luật quốc tế.
Mỹ khẳng định Trung Quốc không thể đòi hỏi chủ quyền hay vùng biển dựa trên những cấu trúc chìm hoàn toàn như bãi Macclesfield hay James Shoal, hay các cấu trúc như đá Vành Khăn hay Cỏ Mây, với tình trạng tự nhiên là chúng chỉ nổi khi thủy triều thấp, nên không được hưởng vùng lãnh hải hợp pháp. Những cấu trúc đó không tạo thành một phần lãnh thổ của một quốc gia về pháp lý, nghĩa là chúng không thể có lãnh hải hay các khu vực hàng hải khác theo định nghĩa của luật quốc tế.
Những quản điểm này là phù hợp với quyết định của Tòa án trọng tài quốc tế. Bằng cách khẳng định những yêu sách rộng khắp trên biển Đông, mục đích của Trung Quốc là hạn chế các quyền và tự do, trong đó có các quyền và tự do hàng hải mà các quốc gia được hưởng. Mỹ phản đối những yêu sách đó vì chúng vượt quá những quyền Trung Quốc có thể đòi theo luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982. Mỹ nhấn mạnh rằng các chính phủ Philippines, Việt Nam và Indonesia đã có những phản đối pháp lý riêng biệt về những yêu sách Trung Quốc nêu ra trong công hàm.
"Mỹ một lần nữa thúc giục Trung Quốc tuân thủ các yêu sách biển được luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, quy định; tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016; và dừng các hoạt động khiêu khích trên biển Đông", Đại sứ Craft nói.