Mỹ phản đối các yêu sách của Trung Quốc về biển Đông

Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo (ảnh chụp ngày 31/10/2017). Ảnh: AMTI
Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo (ảnh chụp ngày 31/10/2017). Ảnh: AMTI
TP - Ngày 1/6, Mỹ gửi công hàm lên LHQ để phản đối công hàm của Trung Quốc nêu ra những yêu sách của nước này trên biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói  Washington coi những yêu sách này là bất hợp pháp và nguy hiểm.   

Trong công hàm gửi đến Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft nói Washington phản đối yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” trên biển Đông vì yêu sách này vượt quá những quyền trên biển mà Trung Quốc có thể đòi hỏi dựa trên luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

 Mỹ nhấn mạnh rằng năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế đã kết luận trong phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc với Philippines và Trung Quốc rằng các yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS 1982.

Mỹ nhắc lại quan điểm rằng không có điều khoản nào trong UNCLOS 1982 quy định ngoại lệ có thể áp dụng để Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng bao quanh các hòn đảo và cấu trúc nằm rải rác mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên biển Đông, từ đó để Bắc Kinh đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Mỹ cũng phản đối bất kỳ đòi hỏi nào về vùng biển dựa trên những cấu trúc không phải là đảo theo định nghĩa trong Điều 121(1) của UNCLOS 1982.

Mỹ cho rằng bằng cách đưa ra những yêu sách rộng khắp trên biển Đông, mục đích của Trung Quốc là hạn chế các quyền và tự do, trong đó có các quyền và tự do hàng hải mà các quốc gia được hưởng.

“Mỹ một lần nữa thúc giục Trung Quốc tuân thủ các yêu sách biển được luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, quy định; tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016; và dừng các hoạt động khiêu khích trên biển Đông”, Đại sứ Craft nói.

Trong thông điệp trên Twitter ngày 2/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết: “Hôm nay, Mỹ phản đối các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông tại LHQ. Chúng tôi coi những yêu sách này là bất hợp pháp và nguy hiểm. Các quốc gia thành viên phải đoàn kết để duy trì luật pháp quốc tế và tự do trên biển”.

Những điểm quan trọng

Trao đổi với Tiền Phong, đại sứ, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên Việt Nam của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc LHQ, cho rằng lập trường của Mỹ là nhất quán, luôn phản đối tất cả những yêu sách quá mức trên tất cả các khu vực biển của thế giới chứ không riêng biển Đông. Mỹ cũng phản đối Trung Quốc trong vấn đề vẽ đường cơ sở năm 1996. Lập trường của Mỹ không có gì mới, nhưng điểm mới là lần đầu tiên một nước ngoài khu vực nhắc đến phán quyết về biển Đông năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế.

Điểm mới nữa là Mỹ yêu cầu lưu chiểu công hàm này tại Hội đồng Bảo an (HĐBA), còn công hàm của các nước khác thường yêu cầu lưu chiểu trong Đại hội đồng LHQ. Tuy vấn đề này không được sắp xếp vào chương trình làm việc của HĐBA, nhưng cho thấy Mỹ coi đây là vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế nếu không được xử lý đúng luật pháp quốc tế, sau khi các nước liên quan như Philippines, Việt Nam và Indonesia gửi hàng loạt công hàm để thể hiện lập trường ủng hộ phán quyết của Tòa án quốc tế, không chấp nhận việc yêu sách đường 9 đoạn, vùng biển trong đường 9 đoạn, những yêu sách, ranh giới không phù hợp với UNCLOS 1982.

ĐS Thao cho rằng việc Mỹ gửi công hàm là hành động bình thường của một nước có quyền lợi. Mỹ và các nước khác có quyền tự do hàng hải và các quyền tự do khác mà UNCLOS 1982 cho phép.

“Việc Mỹ gửi công hàm vào thời điểm này cho thấy Mỹ ủng hộ và đứng sát cánh cùng các quốc gia ASEAN để chống lại những yêu sách biển phi lý của Trung Quốc. Tiếng nói của Mỹ là động viên rất lớn cho các nước ASEAN, vốn là những nước nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc”.

ThS Hoàng Việt

ThS Hoàng Việt, chuyên gia về biển Đông, nhấn mạnh hai nội dung quan trọng trong công hàm của Mỹ. Thứ nhất, Mỹ khẳng định yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc trong khu vực “đường 9 đoạn”, hay “đường lưỡi bò” là không có cơ sở pháp lý và đã bị bác bỏ.

Thứ hai, các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kèm theo. Một nguyên tắc quan trọng của luật quốc tế, được hình thành bởi tập quán quốc tế là nguyên tắc đất thống trị biển. Nguyên tắc này được cụ thể hóa trong điều 121(2) của UNCLOS 1982.

Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Tòa trọng tài đã giải thích rất rõ và khẳng định không có thực thể nào thuộc Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kèm theo. Vì vậy, việc Trung Quốc tuyên bố có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan đến các thực thể này là trái với luật quốc tế. Mỹ phản đối các yêu sách biển phi lý và trái với luật biển quốc tế như vậy.

Thứ hai, Mỹ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016. Như vậy, ThS Việt nhấn mạnh Tòa trọng tài được thành lập hợp pháp, và phán quyết giải thích rõ trong điều 121 thế nào là đảo và thế nào không phải là đảo. Vậy nên Mỹ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết này.

ThS Hoàng Việt đánh giá hai nội dung này phù hợp với quan điểm của các nước ASEAN như Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Đó là phản đối yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc trong “đường lưỡi bò”, phản đối yêu sách của Trung Quốc cho rằng quần đảo Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

MỚI - NÓNG