Căng thẳng biển Đông gia tăng, Philippines ngừng bỏ hiệp ước tiếp nhận quân Mỹ

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: TNS)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: TNS)
TPO - Do diễn biến chính trị và các vấn đề khác ở khu vực, Tổng thống Philippines Rodrogo Duterte vừa dừng thực hiện quyết định hủy bỏ thỏa thuận cho phép Mỹ đưa quân đến nước này. Giới quan sát cho rằng bước đi này của Manila là do căng thẳng gia tăng trên biển Đông và đại dịch COVID-19. 

Quyết định chấm dứt Hiệp định các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8 tới. Hiệp định này đóng vai trò quan trọng trong một trong những quan hệ đồng minh quan trọng nhất của Washington ở châu Á. Ông Duterte định hủy bỏ khuôn khổ này để hạ cấp quan hệ với Mỹ. 

Trong thông báo đưa ra ngày 2/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nói rằng thông tin Philippines hoãn hủy bỏ hiệp định được Mỹ hoan nghênh. 

Ông Duterte mâu thuẫn với Washington trong hàng loạt vấn đề và luôn thể hiện công khai sự giận dữ đối với đồng minh, nhà cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự quan trọng nhất của Philippines. 

Việc Tổng thống Duterte theo đuổi quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc vấp phải nhiều chỉ trích. Phe phản đối cáo buộc ông đánh cược với chủ quyền để chạy theo những dự án đầu tư đến giờ vẫn chưa được triển khai. 

VFA tạo khuôn khổ pháp lý để quân đội Mỹ có thể luân chuyển đến Philippines. Theo các chuyên gia, nếu không có hiệp định này, các thỏa thuận quốc phòng song phương không thể được triển khai. 

Ngày 11/2 năm nay, ông Duterte quyết định hủy bỏ VFA để đáp trả việc Mỹ không cấp visa cho một thượng nghị sĩ Philippines xuất thân là cảnh sát trưởng, người từng chỉ đạo cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi ở nước này. Lý do chính thức mà ông Duterte đưa ra là để giúp Philippines đa dạng hóa quan hệ ngoại giao.

Đại sứ quán Mỹ ở Manila hoan nghênh quyết định hoãn triển khai quyết định này. “Quan hệ đồng minh lâu đời mang lại lợi ích cho cả hai nước, và chúng tôi chờ đợi được tiếp tục quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh gần gũi với Philippines”, Đại sứ quán Mỹ nói. 

Những người chỉ trích cho rằng việc ngừng thực thi quyết định sẽ làm suy yếu quân đội Philippines, vì thực thi quyết định này sẽ khiến họ không thể tham gia nhiều cuộc diễn tập quân sự thường niên, trong đó có các cuộc diễn tập chống khủng bố, phòng chống thiên tai và đối phó với các mối đe dọa trên biển. 

Thông báo chính thức về việc hoãn thực hiện quyết định nói rằng nguyên nhân là “diễn biến chính trị và các vấn đề khác ở khu vực”, nhưng không nói cụ thể hơn. 

Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân liên quan đến căng thẳng gia tăng trên biển Đông. 
Chuyên gia luật biển Jay Batongbacal ở Philippines nói rằng ông Duterte quyết định tiếp tục duy trì VFA có thể do tác động của những hành động của Trung Quốc trên biển Đông gần đây nhằm vào các nước Việt Nam, Malaysia và Indonesia. 

Ông Batongbacal, Trưởng khoa Luật và các vấn đề biển thuộc ĐH Philippines, nói với báo SCMP rằng các lực lượng vũ trang Philippines đang ở tình thế dễ tổn thương do thiếu tàu tuần tra và tiếp tế. 

“Hai tàu lớn nhất của Philippines vẫn đang ở Ấn Độ, nếu tôi nhớ đúng, trong khi những phương tiện trên không và trên biển khác đang được dùng để cho vận tải hàng tiếp tế và y tế”, ông nói. 

Ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, Mỹ, đánh giá rằng việc bãi bỏ VFA “luôn nhận được ít ủng hộ”. 

“Giờ Trung Quốc đang hành xử hung hăng trong khi đại dịch COVID-19 khiến hầu hết các cuộc gặp của quan chức cấp cao Mỹ và Philippines phải hủy. Rõ ràng ai đó đã thuyết phục ông Duterte rằng vì điều này và những lý do khác, họ cần thêm thời gian”, ông Poling nói. 

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG