Trách nhiệm nêu gương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW về Những điều đảng viên không được làm (thay thế Quy định 47 năm 2011). Quy định có rất nhiều điểm mới. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Mặt khác, quy định 37 như cẩm nang để mỗi đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày.

Đáng chú ý, lần này Trung ương đã đưa vấn đề “không thực hiện trách nhiệm nêu gương” vào điều 3 của Quy định. Không phải tự nhiên Trung ương nhấn mạnh vấn đề nêu gương, mà đây là sự tiếp nối Quy định 08-QĐ/TW và một số quy định trong hai nhiệm kỳ gần đây – khi Đảng nhận diện, chỉ rõ và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Nhìn lại công tác thi hành kỷ luật Đảng, chúng ta không khỏi giật mình: Nếu nhiệm kỳ đại hội XI, cấp ủy, UBKT các cấp kỷ luật gần 5.000 đảng viên liên quan tham nhũng, cố ý làm trái, trong đó có 1 Ủy viên Trung ương; thì chỉ riêng từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII đến tháng 8/2020, đã xử lý kỷ luật 2.560 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái; trong đó có hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (gồm 25 ủy viên và nguyên ủy viên T.Ư, 2 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên UVBCT, 26 sỹ quan cấp tướng, nhiều cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý).

Nhiệm kỳ đại hội XII cũng để lại bài học sâu sắc về công tác cán bộ. Không ít người có chức vụ cao đã bị khai trừ đảng, bị cách nguyên các chức vụ, phải “vào lò” như Đinh La Thăng, Tất Thành Cang, Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Thị Mỹ Thanh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Đức Chung... Những trái chín ép Vũ Quang Hải, Lê Trương Hải Hiếu, Trương Hoài Bảo, Nguyễn Xuân Anh sau khi thăng tiến quá nhanh đều phải nhận án kỷ luật. Những người này không chỉ vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, mà còn thiếu gương mẫu trong công tác, sinh hoạt.

Như vậy, cùng với xử nghiêm vi phạm, cần tăng cường giáo dục, đề cao trách nhiệm nêu gương. Đảng xác định chống tham nhũng không có vùng cấm, tắm rửa phải gội đầu, thì nêu gương cũng phải với tinh thần rất mạnh mẽ, đồng lòng từ trên xuống dưới.

Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương chỉ rõ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu: Không ngừng học tập, tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng, mẫu mực về đạo đức, lối sống; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm, trách nhiệm. Hàng loạt biểu hiện suy thoái, tiêu cực cần kiên quyết chống như chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, độc đoán, thái độ thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân; nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, hối lộ, bản thân và người nhà sống xa hoa, lãng phí... Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp nối tinh thần đó, Đại hội XIII đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII - trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”.

Hơn hai tuần trước, bế mạc Hội nghị TW4 khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao, sự nỗ lực rất lớn”.

Cũng theo Tổng Bí thư, phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả cụ thể hơn nữa Quy định về những điều đảng viên không được làm mà Trung ương mới bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện.

MỚI - NÓNG