Năm 1990, những ngôi mộ được di dời lên Hòa Vang để nhường đất xây dựng công trình nhà thi đấu thể thao, sau đó là mở mang đường sá. Một phần di tích nghĩa trủng còn chừng vài trăm mét với cái nhà bia được lưu giữ lại, khá khuất nẻo quay mặt vào con đường nhỏ. Còn phần đất rộng khoảng hơn 2.000 m2 trước đó do giải tỏa Nghĩa trủng Phước Ninh mà có, nay thành phố cho đấu giá…
Đọc tài liệu ghi nội dung những bia đá đang còn nguyên tại nghĩa trủng từ thuở ấy. Cái thuở mà nơi đây còn là "sa trường chiến địa, thành xiêu lũy đổ, gò hoang mả loạn ngổn ngang, gió hú thê lương não ruột" như lời lẽ mô tả trong văn bia. Vì thiện nghĩa, những thân hào, phú thương cho đến dân đen làng xã đã góp ruộng vườn, công sức, tiền bạc để quy tập hài cốt, tôn tạo thành nơi an nghỉ linh nghiêm cho các anh hùng liệt sĩ, và tổ chức cúng tế hàng năm, từ bấy đến nay.
Ngót trăm rưỡi năm đã qua, bia đá nghĩa trủng nay vẫn còn khắc ghi nguyên tên họ cùng số tiền từng người đã có lòng phụng cúng. Ghi ơn từng đồng bạc, quan tiền, từng hào nhỏ góp vào việc nghĩa. Dù rất nhiều người chỉ góp được 5 hào, 3 hào. Những tên ấy, người ấy, nay còn ai biết ai nhớ? Nhưng chắc hẳn con cháu họ vẫn ở quanh thành phố này, vẫn nối truyền dòng máu trượng nghĩa và hồn hậu của tiền nhân.
Trong bài viết năm nào đó về ngôi chùa mà toàn bộ kiến trúc chỉ duy nhất là một phiến đá đơn sơ treo ngang đầu, tôi đã chợt ngộ rằng mảnh đất con con nơi kiệt hẻm mà tôi đang ở bao năm qua chưa bao giờ là "của mình". Dù từ lâu đã có cái gọi là "sổ đỏ". Khi mường tượng về biết bao kiếp nhân sinh không biết tên biết mặt đã từng ấm lạnh đời người chính tại nơi này. Là "của họ" đó thôi. Rồi nay mai, vật đổi sao dời, nơi này “của tôi” sẽ trở thành của những ai khác nữa. Luân phiên ngàn năm. Làm sao cầm nắm sang kiếp khác cái "của mình".
Vậy thì làm sao có cái gọi là "đất sạch"? Để đất đai bao lâu nay trở thành "vấn nạn", nơi nơi san rừng bạt núi, chia lô bán nền, để hàng lớp cán bộ không ít địa phương sa ngã dắt nhau vào tù.
Cuộc đất linh thiêng mang tên Nghĩa trủng ấy, qua lịch sử thăng trầm nay vẫn giữ lại được đa phần diện tích mà không phải nằm dưới lòng đường hay dưới công trình xây dựng nào, thì hãy xem đó là phước phận vẫn còn. Sao không nghĩ rằng đó là do người xưa phù trợ, để hãy trả về lại cho nghĩa trủng, và tôn tạo thành quần thể công viên văn hóa, bảo tàng giúp đời sống tinh thần người dân trở nên tốt đẹp hơn? Để khỏi bị công trình, nhà cửa, xe cộ và đô thị hóa đè lấp lên? Đất luôn có linh hồn, chứ không phải chỉ là món hàng bất động sản.