Mù mờ vì đâu?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau 20 năm nuôi heo, bà Trần Thị Nhiệm (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) đã phải đóng cửa chuồng trại. “Dịch bệnh và giá cả bấp bênh đã khiến người nuôi trắng tay”, bà Nhiệm nói với giọng buồn rầu.

Bà kể, vài năm trước, khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, đàn heo với 80 con của bà buộc phải tiêu hủy. Sau đó, bà hai lần tái đàn, nhưng cả hai đều thất bại cũng vì dịch. Hàng trăm con heo chết và tất cả vốn liếng cũng “chết” theo. Mới đây, một lần nữa bà quyết định tái đàn, nhưng chưa kịp làm thì đàn heo giống bà đặt mua đã chết sạch. Trong khi đó, giá heo hơi đang xuống rất thấp khiến người nuôi lỗ nặng. Vì vậy, bà đành tiếp tục treo chuồng để cùng chồng đi làm thợ hồ kiếm sống qua ngày.

Cũng vì dịch và giá cả bấp bênh, rất nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương này đã đóng cửa chuồng hoặc giảm đàn. Bà Nhiệm cho biết, bao lâu nay, mọi quyết định tái đàn hay tăng, giảm đàn của bà Nhiệm cũng như phần lớn người chăn nuôi heo chủ yếu dựa vào “hóng hớt” thông tin thị trường, hệt kiểu “thầy bói xem heo”, nên mọi thứ rất mù mờ, không lấy gì đảm bảo về đầu ra, giá cả. Việc chăn nuôi cũng vì thế khó ổn định dài lâu.

“Mù mờ” cũng là từ của Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan dùng để nói về hiện trạng của một nền sản xuất-tiêu dùng không có sự minh bạch về thông tin. “Nền sản xuất của mình mù mờ, tiêu dùng mù mờ, trung tâm phân phối cũng mù mờ….Nhiều điểm mù mờ gặp nhau nên vậy”, Bộ trưởng Hoan nói. Có lẽ vì mù mờ nên người nông dân luôn đứng cuối chuỗi cung ứng về mức độ hưởng lợi. Trong khi đó, nông dân luôn dễ bị tổn thương bởi những tác động bên ngoài, từ thiên tai, dịch bệnh đến những rủi ro của thị trường.

Ngoài những bất lợi vốn có, dịch bệnh đã bồi cho người nông dân nhiều bất lợi khác, nhất là trở ngại trong vận chuyển hàng hóa từ trang trại đến thị trường bởi nạn cát cứ của các địa phương, khiến nông sản ùn ứ và nông dân buộc phải bán đổ bán tháo, thậm chí đổ bỏ.

Giá thịt heo hơi tại các trang trại tuột dốc trong những ngày qua cũng phần nào do nguyên nhân trở ngại lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, những thông tin bất lợi về dịch bệnh khiến người tiêu dùng phần nào ngần ngại nên hạn chế sử dụng thịt heo trong nước. Tận dụng cơ hội này, các nhà nhập khẩu gia tăng nhập thịt ngoại để bù đắp nguồn thiếu hụt trên thị trường hoặc để làm an tâm người tiêu dùng.

Từ đó cho thấy, giá cả miếng thịt trên thị trường hay con heo trong chuồng không chỉ là câu chuyện thịt heo cụ thể mà luôn là câu chuyện về điều hành chính sách của các nhà quản lý. Giá cả thị trường do chính thị trường quyết định, song sự ổn định, phát triển của nền sản xuất lại do các nhà quản lý quyết định.

Từ việc xây dựng chính sách vĩ mô, quy hoạch, tổ chức sản xuất, xây dựng hệ thống phân phối, logistic… đến việc điều hành chính sách vi mô đều tác động trực tiếp đến người nông dân và hoạt động sản xuất. Do đó, chỉ khi việc xây dựng, điều hành chính sách một cách phù hợp, hiệu quả mới giúp nền sản xuất thoát cảnh mù mờ.

MỚI - NÓNG