TPHCM kiến nghị giải pháp giúp người nhà không cần đi theo chăm sóc bệnh nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thiếu điều dưỡng đang ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Để tăng cường nhân lực hỗ trợ bệnh nhân, tiến tới không cần người nhà đi theo chăm sóc trong quá trình điều trị của người bệnh, Sở Y tế đề xuất đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM kiến nghị Quốc hội giải pháp bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng.

Thông tin trên được TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu lên tại buổi làm việc của đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM với Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện về vấn đề tự chủ và mua sắm thuốc, trang thiết bị, sáng 7/10.

Theo đó, ghi nhận thực tế của Sở Y tế trong năm học mới, tỷ lệ sinh viên đăng ký theo học chuyên ngành điều dưỡng đang giảm sâu (giảm khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm trước). Tình trạng trên khiến ngành y tế thành phố đối mặt với nguy cơ thiếu hụt rất lớn lực lượng điều dưỡng chăm sóc người bệnh.

TPHCM kiến nghị giải pháp giúp người nhà không cần đi theo chăm sóc bệnh nhân ảnh 1

Lực lượng điều dưỡng tại các bệnh viện đang bị thiếu hụt dẫn đến quá tải công việc nghiêm trọng

Mặt khác, hiện nay các bệnh viện đang rơi vào tình trạng thiếu điều dưỡng. “Theo yêu cầu thì mỗi bác sĩ sẽ có 3 điều dưỡng mới đáp ứng được các công việc cơ bản trong chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay tại TPHCM trung bình chung các bệnh viện chỉ có 1,85 điều dưỡng/1 bác sĩ. Điều đó khiến lực lượng điều dưỡng đang rơi vào quá tải nghiêm trọng trong công việc. Trung bình 1 khoa có 70 đến 80 bệnh nhân nhưng chỉ có 2 đến 3 điều dưỡng chăm sóc, rất khó đáp ứng cho bệnh nhân đặc biệt là các ca bệnh nặng” – BS Dũng nói.

Theo quy định hiện nay, chức danh điều dưỡng phải được đào tạo từ trình độ Cao đẳng trở lên. Người điều dưỡng phải lao động với cường độ cao nhưng thu nhập không tương xứng. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến người theo học ngành điều dưỡng đang giảm sâu.

Nếu chỉ trông chờ vào đội ngũ điều dưỡng được đào tạo, phân công chức năng nhiệm vụ cụ thể thì việc chăm sóc cho người bệnh sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó cần phải tính toán các giải pháp phù hợp để đáp ứng với tình hình quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện và quá tải người nhà đi theo để chăm sóc bệnh nhân. Đặc biệt ở từng loại hình chăm sóc cho người bệnh cụ thể như bệnh nhi, lão khoa cần phải có người hỗ trợ thường xuyên, liên tục cho người bệnh khi cần.

Trước thực tế trên, Sở Y tế đề xuất đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM kiến nghị Quốc hội giải pháp bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng. “Tại Việt Nam chỉ có một chức danh duy nhất là điều dưỡng nhưng trên thế giới loại hình này rất đa dạng, trong đó loại hình điều dưỡng có nhiều chức danh, trình độ, chức năng nhiệm vụ khác nhau trong bệnh viện đặc biệt là chức danh trợ lý điều dưỡng” – BS Dũng nói.

TPHCM kiến nghị giải pháp giúp người nhà không cần đi theo chăm sóc bệnh nhân ảnh 2

Chức danh trợ lý điều dưỡng nếu được duyệt sẽ tiến tới giúp người nhà không cần đi theo chăm sóc bệnh nhân

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM chức danh trợ lý điều dưỡng sẽ được cấp chứng nhận và chỉ cần đào tạo trong thời gian ngắn hạn khoảng 3 tháng. Sau khi được cấp chứng nhận, trợ lý điều dưỡng sẽ làm những công việc như hỗ trợ người bệnh trong công tác vệ sinh cá nhân, thay ga giường hoặc chiếu, hỗ trợ ăn uống, tiếp nhận thức ăn, chăm sóc bữa ăn, hỗ trợ di chuyển trong nội bộ bệnh viện và đi làm các xét nghiệm hoặc kiểm tra hình ảnh.

Bên cạnh đó, trợ lý điều dưỡng có thể theo dõi các chỉ số sinh hiệu của người bệnh, đánh giá nguy cơ, thực hiện các nhiệm vụ, chức năng trên cơ sở có sự giám sát của điều dưỡng chính. Thực hiện các nhiệm vụ khác trong trường hợp bác sĩ cần hoặc điều dưỡng chính cần hỗ trợ.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhận định, việc bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng là rất quan trọng và cần thiết để giảm áp lực cho lực lượng điều dưỡng chính. Mặt khác, với xu hướng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh, lực lượng trợ lý điều dưỡng sẽ chăm sóc tích cực cho bệnh nhân, không cần thân nhân phải đi theo chăm sóc. Đây là giải pháp nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai thành công, khi gia đình có người bị bệnh, thân nhân hoàn toàn có thể an tâm giao phó việc chăm sóc cho bệnh viện.

MỚI - NÓNG