Tại điều 4, quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại khu vực dành riêng cho báo chí. Liệu quy định báo chí chỉ được dự 5 phút vào đầu mỗi buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có vi phạm quy chế không, thưa ông?
Quy định như vậy không làm sai quy chế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Tham dự” ở đây có nhiều hình thức, có thể một cuộc, có thể hai cuộc và tuỳ theo từng nội dung. Báo chí được tham dự nhưng không phải cuộc nào anh cũng đến tham dự.
Ở đây không hạn chế báo chí mà chỉ hạn chế về thời gian thôi. Mỗi buổi họp, báo chí vào 5 phút đầu và tiếp cận thông tin qua thông cáo báo chí sau đó để cho các đại biểu thảo luận. Chẳng hạn như vừa qua, có tới ba thông cáo báo chí được phát đi trong ngày. Thông cáo vừa qua rất dài, cá nhân tôi cũng rất vất vả vì việc này.
Ông có thể cho biết về lý do dẫn đến sự điều chỉnh bất ngờ này?
Các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đang trong giai đoạn chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Quốc hội. Trong giai đoạn này, cần phải để cho các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ trao đổi thật sâu, thật kỹ, phân tích mổ xẻ vấn đề cho tốt. Thậm chí có những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia cũng cần trao đổi kỹ hơn.
Có những vấn đề còn đang trong quá trình bàn bạc, báo chí đưa tin nhiều khi cũng không hay, đại biểu lại ngại nói. Còn khi đã ra đến Quốc hội rồi thì không ai cấm cả, báo chí trực tiếp đưa tin chứ không có hạn chế gì.
Còn một cái rất khó khác là trong khi trao đổi, có những thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, nếu họ nói ra thì làm sao? Nhưng nếu không nói ra thì làm sao mà biết được để thảo luận, trao đổi? Trong khi đó tất cả mọi người (PV báo chí - PV) ngồi đó thì khó mà hạn chế được. Chỗ này rất khó và chúng tôi đang phải suy nghĩ, làm sao đưa ra được phương án tốt nhất.
Báo chí được xem là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội. Quy định như vậy liệu có làm cho khoảng cách giữa cử tri với Quốc hội xa hơn, thưa ông?
Báo chí từ trước tới nay cũng rất tốt chứ không có gì cả. Điều quan trọng nhất là làm sao để tạo điều kiện cho các đồng chí phát biểu thảo luận thôi. Trước nhiều ý kiến đóng góp mà các phóng viên và báo chí đưa ra vừa qua, chúng tôi đang suy nghĩ, đang trong quá trình soạn thảo, lựa chọn phương án tốt nhất cho cả các đại biểu và báo chí.
Làm sao để vừa tạo điều kiện cho các đồng chí thường vụ, các thành viên Chính phủ sang họp, trao đổi hết vấn đề cho thật kỹ mà không e ngại gì cả. Nếu sang đây họp mà không dám nói, sợ động chạm thì làm sao mà hiểu hết được? Thường vụ làm sao mà quyết định được? Đồng thời cũng phải làm sao để đảm bảo cho báo chí đến tham dự và đưa tin về các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cảm ơn ông.
TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Băn khoăn, lo lắng là có căn cứ Ở nước ta, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, còn Quốc hội chịu trách nhiệm trước nhân dân, nghĩa là phải chịu sự giám sát của nhân dân. Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Quốc hội họp công khai”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, đương nhiên cũng phải họp công khai. Đây là lý do tại sao Điều 4, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: “1. Hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; 2. Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại khu vực dành riêng cho báo chí…”. Tất nhiên, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn toàn có thể họp kín khi cần thiết. Tuy nhiên, muốn họp kín thì vẫn phải tuân theo các thủ tục do pháp luật quy định. Thủ tục họp kín cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có vẻ như chưa được quy định ở đâu cả. Thế nhưng, về nguyên tắc, những gì áp dụng cho Quốc hội thì đương nhiên phải được áp dụng cho cơ quan thường trực của Quốc hội. Chính vì vậy, việc Văn phòng Quốc hội chỉ cho phép báo chí tham dự 5 phút đầu của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội như vừa qua có vẻ là trường hợp rất đặc biệt. Nhiều phóng viên đã rất băn khoăn, lo lắng về sự hạn chế nói trên. Sự băn khoăn, lo lắng như vậy không phải là không có căn cứ. Tuy nhiên, có lẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã áp dụng thủ tục họp kín, nên Văn phòng Quốc hội mới không cho báo chí tham dự phiên họp. Nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông: Người dân có quyền được nghe những phản biện, tranh luận Báo chí là phương tiện truyền thông hiệu quả, là cầu nối giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri nên càng mở rộng càng tốt. Cách đây 15 năm, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã quyết định mở cửa cho báo chí dự các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và được dư luận rất đồng tình. 15 năm qua, việc này được thực hiện rất tốt, vì vậy, tôi cũng như nhiều cựu đại biểu Quốc hội khác không hiểu và rất băn khoăn, vì sao lại có chủ trương chỉ cho báo chí được dự 5 phút đầu mỗi buổi họp. Các cơ quan liên quan của Chính phủ trình các dự án luật hay những vấn đề quan trọng ra Thường vụ Quốc hội cũng phải có lý lẽ và nội dung thuyết phục. Người dân có quyền được nghe những phản biện, tranh luận về các vấn đề này, để từ đó có thể nhìn nhận đánh giá thông tin từ nhiều phía. Dân chủ và công khai mới là cách làm tốt nhất. Báo chí đưa tin không chuẩn thì báo chí chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn khi đại biểu Quốc hội hay chính khách lỡ lời trước báo chí, thì phải chịu. Bởi họ phải có bản lĩnh, có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực của mình và phải có lý lẽ để thuyết phục người khác, thuyết phục dư luận, phải lắng nghe phản biện mới thì mới tốt cho xã hội và tốt cho chính đại biểu. Thành Nam (ghi)