Tình trạng loạn trạm thu phí BOT: Hai bộ 'giải trình' với Chính phủ

Nếu không có các dự án BOT, khó có được những tuyến đường đẹp trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp.
Nếu không có các dự án BOT, khó có được những tuyến đường đẹp trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp.
TP - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định không có tình trạng phí chồng phí với các dự án BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao). Bộ Tài chính đánh giá cao việc thu hút nguồn vốn lớn (trong khi ngân sách nhà nước eo hẹp) để đột phá phát triển hạ tầng.

Cần quy hoạch trạm thu phí BOT

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông. Theo đó, bộ này đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Bộ GTVT khi thu hút được gần 400 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng giao thông. Bộ Tài chính cũng ủng hộ các nguyên tắc (đã được Bộ GTVT đề xuất) theo hướng không xã hội hóa những hoạt động đầu tư, kinh doanh có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia.

Ngoài ra, ngành tài chính cũng đồng tình với đề xuất công khai, minh bạch các khâu từ phê duyệt chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư tới thực hiện dự án, vận hành, chuyển nhượng,…

Tuy nhiên, đề cập riêng tới các dự án BOT, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng: Do thiếu quy hoạch tổng thể phát triển trạm thu phí các dự án BOT, nên có tình trạng không đảm bảo khoảng cách với trạm thu phí khác 70 km theo quy định của Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Theo đại diện ngành tài chính, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể, nhưng cho tới nay, cơ quan này vẫn chưa trình cấp có thẩm quyền xây dựng quy hoạch các trạm thu phí BOT.

Về dư luận phản ánh khoảng cách các trạm thu phí gần nhau, gây sức ép đóng phí, Bộ GTVT lý giải: Trong quá trình lập và phê duyệt dự án BOT, cơ quan này đều có văn bản thỏa thuận với UBND cấp tỉnh, các bộ có liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT và được UBND cấp tỉnh và bộ liên quan thỏa thuận bằng văn bản. Trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở điều kiện thực tế của từng dự án, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư chỉ đạo tư vấn kiểm tra, khảo sát kỹ hiện trường để lựa chọn vị trí trạm thu phí cho phù hợp. Sau đó, Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính thống nhất bằng văn bản trước khi xây dựng trạm thu phí.

Nhà nước thiếu tiền phải “gọi” tư nhân

Về sự tách bạch giữa việc thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí BOT và thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện, Bộ GTVT lý giải: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định nguồn tài chính để quản lý, bảo trì hệ thống đường quốc lộ và địa phương được bảo đảm từ Quỹ bảo trì đường bộ. Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì đường chuyên dụng, đường không do nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng ngoài ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân quản lý khai thác chịu trách nhiệm. “Quy định như trên là phù hợp và không có việc phí chồng phí” – Bộ GTVT khẳng định.

Bộ GTVT đánh giá, BOT hình thức đầu tư phổ biến trên thế giới (vì ngoài việc khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư công, còn có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên).

Về mức phí các trạm BOT, văn bản của Bộ Tài chính cho hay, hàng loạt các dự án BOT (nhất là các dự án trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc) sẽ hoàn thành và thu phí trong năm 2016. Mức phí trên sẽ tác động trực tiếp tới chi phí vận tải, chỉ số giá tiêu dùng và sự phát triển kinh tế, xã hội. Do vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng giao Bộ GTVT báo cáo đánh giá tác động của chính sách xã hội hóa ngành giao thông đến sự phát triển kinh tế xã hội và có kế hoạch tuyên truyền hợp lý nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.

Trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí đang và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, 45 trạm đang thu hoàn vốn cho các dự án BOT; 51 trạm thu phí chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành (đến năm 2018). Bộ GTVT ký hợp đồng với các nhà đầu tư 83 trạm và 13 trạm do UBND các tỉnh ký.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.