Thu phí không dừng: Một chính sách, nhiều bên cùng hưởng lợi

Thu phí không dừng: Một chính sách, nhiều bên cùng hưởng lợi
Việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng sẽ được áp dụng trên toàn quốc trong tương lai như là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa công tác quản lý của ngành giao thông vận tải của Việt Nam.

Chuyển đổi vì lợi ích của người dân

Hiện nay, trên các quốc lộ cả nước hầu hết đều áp dụng công nghệ thu phí một dừng. Trong khi đó, tại Việt Nam, phần lớn các trạm thu phí vẫn đang áp dụng hình thức một dừng, không còn phù hợp với xu thế mới. Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hiện đang xây dựng tờ trình Chính phủ ký ban hành Quyết định về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng, tạo ra khuôn khổ pháp lý để có thể áp dụng rộng rãi hình thức thu phí tự động trên toàn quốc.

Theo thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng công nghệ thu phí không dừng và Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, tham tham khảo, so sánh với nhiều công nghệ khác nhau để đưa ra thống nhất lựa chọn công nghệ thu phí RFID của Mỹ để triển khai. Đây cũng là công nghệ hiện đại nhất hiện nay và đang được áp dụng rất thành công ở Đài Loan.

Với việc áp dụng công nghệ này, hệ thống thu phí không dừng giúp các chuyến đi của người tham gia giao thông không bị gián đoạn, rút ngắn thời gian qua các trạm thu phí. Ngoài ra, người tham gia giao thông không còn phải chịu cảnh xếp hàng, chen lấn như hệ thống thu phí một dừng.

Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện từ 2-3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4-5% và tiêu tốn thêm 7-8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc. Tuy nhiên nếu thu phí không dừng sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm… Ngoài ra, thu phí tự động không dừng còn tăng tính minh bạch trong quản lý, giảm ô nhiễm môi trường, hao mòn phương tiện, giảm thanh toán bằng tiền mặt, cung cấp thông tin cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước….

Vận hành ra sao?

Theo Tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải, về nguyên tắc chuyển đổi sang việc thu phí từ bằng tay sang hình thức tự động không dừng phải bảo đảm không làm tăng mức phí sử dụng đường bộ đồng thời vẫn bảo đảm quyền thụ hưởng phí của các chủ đầu tư và hỗ trợ việc quản lý nhà nước về giao thông. Mặt khác, các phương tiện sẽ được cấp miễn phí thẻ định danh e-Tag để có thể nhanh chóng sử dụng dịch vụ này.

Đối với nhiều doanh nghiệp vận tải, việc kiểm soát tiền phí sử dụng đường bộ vốn rất khó do không thể biết chính xác chuyến xe đi qua bao nhiêu trạm mà chỉ căn cứ vào sự thành thực của lái xe. Vì thế, việc trả phí qua tài khoản sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được tiền phí này.

Để thống nhất việc quản lý và vận hành trên toàn quốc, Bộ GTVT dự kiến sẽ lựa chọn mô hình thu phí tự động không dừng chung cho tất cả các phương tiện giao thông thuộc diện chịu phí và các trạm thu phí trên toàn quốc. Với hệ thống này, việc điều hành, quản lý tài khoản và thu phí sẽ được tiến hành chung thông qua một hệ thống điều hành và cơ sở dữ liệu trung tâm.

Bước đầu, Bộ GTVT sẽ cho tiến hành thử nghiệm tại ba trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh gồm: Hoàng Mai (Nghệ An); Trạm Km 604+700 QL1 (Quảng Bình) và Trạm Km 1813+650 đường Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ sẽ chỉ đạo lần lượt áp dụng công nghệ thu phí này cho tất cả các tuyến đường bộ, bao gồm cả hệ thống đường cao tốc.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT cho biết bộ sẽ soạn thảo một lộ trình thích hợp để triển khai; trước mắt sẽ vẫn duy trì song song hai hình thức thu phí thủ công đang hoạt động và các trạm mới chuyển sang thu phí tự động nhằm tạo điều kiện để các đơn vị chuyển đổi công nghệ và để cho người lái xe tiếp cận dần với công nghệ mới.

MỚI - NÓNG