Tín hiệu vui từ dự án cấp hơn 665 con bò ở huyện vùng biên Sa Thầy

0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2023 huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã cấp hơn 665 con bò cái sinh sản cho 11 xã, thị trấn trên địa bàn. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ huyện mà những con bò giống đang phát triển rất tốt, trong đó đã sinh sản 30 con bê.
Tín hiệu vui từ dự án cấp hơn 665 con bò ở huyện vùng biên Sa Thầy ảnh 1

Bò giống của gia đình anh A Dát (30 tuổi, xã Ia Ly) vừa sinh bê con.

Sa Thầy là huyện miền núi biên giới với 32,5 cây số tiếp giáp với huyện Tà Veng (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Cách trở về địa lý nên đời sống của bà con, kinh tế - xã hội nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn chú trọng hỗ trợ bà con đồng bào, đặc biệt là người dân tộc thiểu số để thoát nghèo, phát triển kinh tế. Cũng trong năm 2023, thực hiện 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia, huyện Sa Thầy đã cấp hơn 665 con bò cái sinh sản cho 11 xã, thị trấn trên địa bàn.

Đang cắt cỏ cho bò ăn, anh A Phới (44 tuổi, làng Chờ, xã Ia Ly) chia sẻ, gia đình không có đất sản xuất nên chỉ đợi đến mùa vụ để đi làm thuê. Vợ chồng anh Phới phải chắt bóp, tiết kiệm để nuôi 3 người con đang tuổi ăn, tuổi học. Làm quanh năm chẳng đủ ăn, từ khi nhận được bò giống anh Phới rất vui, bởi đây sẽ là cơ hội cho gia đình vươn lên.

Anh Phới vui vẻ nói: “Nhận được bò giống gia đình ai cũng vui. Cán bộ xã còn hướng dẫn cách chữa bệnh, chăm sóc, làm chuồng, trồng cỏ. Mình đem bò giống về nhà được vài tháng nó đã đẻ bê con rồi. Gia đình mình hy vọng sẽ chăm sóc, nuôi lớn để có nhiều bò hơn".

Tín hiệu vui từ dự án cấp hơn 665 con bò ở huyện vùng biên Sa Thầy ảnh 2

Gia đình anh A Phới rất vui khi được huyện Sa Thầy hỗ trợ bò giống.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông A Plưng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết, đa phần người được nhận bò giống là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cần nghèo. Bởi vậy, ngay từ khi triển khai dự án đã được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự hướng dẫn sâu sát của các cơ quan, đơn vị chuyên môn và các đơn vị được giao làm chủ đầu tư. Cùng bởi vậy mà công tác chọn hộ nhận bò giống được kiểm tra chặt chẽ. Đặc biệt, giống cấp đảm bảo tiêu chuẩn, nhiều bò cái đã mang bầu nên sau khi cấp đã và đang sinh sản nên người dân rất vui.

“Việc cấp bò rất có ý nghĩa đối với bà con trên địa bàn vì Sa Thầy có diện tích đất rộng, khí hậu thuận lợi cho việc chăn nuôi đại gia súc, mùa đông không quá lạnh nên rất thích hợp chăn nuôi bò. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các chủ đầu tư thường xuyên theo dõi, hướng dẫn công tác chăm sóc để đàn bò phát triển và tiếp tục sinh sản tăng đàn”, ông A Plưng chia sẻ.

Thời gian qua, huyện Sa Thầy chú trọng triển khai thực hiện cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững. Để thực hiện Cuộc vận động có hiệu quả, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, huyện Sa Thầy tập trung phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở, lấy các gương điển hình trong lao động, sản xuất và các già làng, người có uy tín trong cộng đồng làm lực lượng xung kích trong việc triển khai, thực hiện thí điểm các mô hình để làm gương và triển khai nhân rộng.

MỚI - NÓNG