Từng bước xóa nghèo
Sa Thầy có vị trí đặc biệt quan trọng của Kon Tum khi có 32,5 cây số đường biên tiếp giáp với huyện Tà Veng (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Dọc vùng biên cũng là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc thiểu số Ha Lăng (Xơ Đăng), Jrai, Rơ Măm.
Bà con làng Le, xã Mô Rai vui mừng chào đón đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang. Ảnh: Văn Tùng |
Những năm qua Huyện uỷ Sa Thầy luôn chú trọng, quan tâm đối với đầu tư phát triển, hỗ trợ đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Ông Nguyễn Đăng Bảo- Trưởng phòng Dân tộc huyện Sa Thầy cho biết, để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số biên giới, ngành chức năng huyện phối hợp với chính quyền các xã biên giới lồng ghép hiệu quả các chương trình, chính sách để hỗ trợ nguồn vốn vay cho người dân đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước xóa nghèo bền vững.
“Qua điều tra, nắm bắt nhu cầu và nguyện vọng của bà con, huyện chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng lên kế hoạch chi tiết, phân bổ nguồn lực phù hợp với điều kiện của người dân để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả. Sau đó, chọn một số hộ làm điểm để tạo sự lan tỏa, làm gương để mọi người học theo”, ông Bảo chia sẻ.
Đặc biệt vừa qua huyện đã kêu gọi, thu hút được Dự án bò sữa TH đầu tư trên địa bàn xã Mô Rai, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân tại chỗ. Bên cạnh đó, huyện luôn quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số; thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Đến nay, huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Nhờ vậy, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội địa phương được đảm bảo. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, đã có 9 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 7.056.294 triệu đồng/1.089,01 ha; 8 dự án đã được UBND huyện thông báo giới thiệu vị trí đất để thực hiện các dự án với tổng diện tích 1.041,36 ha; 18 dự án đã đăng ký khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại huyện. Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 14%, trong đó: nông - lâm - thủy sản tăng 10,7%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,5%, thương mại - dịch vụ tăng 14,9%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 43,9 triệu đồng năm 2021 lên 47,64 triệu đồng năm 2022, đạt 100% kế hoạch.
Phủ xanh đồi trọc
Điểm cao 1015 (đồi Charlie, hay còn gọi là đồi Sạc Ly) và Điểm cao 1049 (đồi Delta) của huyện Sa Thầy là những mắt xích trọng yếu của tuyến phòng thủ bảo vệ thị xã Kon Tum và các căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh, Plei Kần và Plei Kleng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây đã diễn ra các trận đánh vô cùng khốc liệt giữa ta và địch, đặc biệt là trận đánh then chốt mở màn cho Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 trên chiến trường Tây Nguyên của Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320.
Đường lên đồi Sạc Ly, đồi Delta thẳng đứng, vô cùng hiểm trở. Nơi đây được ví như thành lũy của bàn tay thiên nhiên. Do từng hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn và chất độc màu da cam mà quân địch ném xuống nên cây cối tại hai đồi bị tàn phá nặng nề. Sau hơn 50 năm, nhiều vị trí vẫn chưa có cây mọc lại. Chính vì vậy, việc trồng cây tại đây còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc trả lại màu xanh bền vững.
Việc trồng rừng tại hai điểm cao nêu trên được Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đặc biệt quan tâm. Bởi đồi trọc nếu được phủ màu xanh của rừng cũng quá khứ đau thương khép lại. Vì vậy, nhân dịp ngày môi trường thế giới năm 2022 và năm 2023, Kon Tum đã chọn hai đồi Sạc Ly, Delta làm nơi tổ chức buổi Lễ ra quân điểm của tỉnh hưởng ứng Ngày môi trường thế giới để trồng hơn 8.650 cây thông ba lá. Giờ đây màu xanh của sự sống đang dần phủ đồi Sạc Ly, Delta.
“Đường đồi Sạc Ly, Delta không chỉ là đường đất mà có độ dốc lớn. Lúc trồng cây lại dính vào mùa mưa nước chảy từ các sườn dốc đổ về gây ra xói lở lề đường, rãnh thoát nước ảnh hưởng đến di chuyển, khó khăn trong việc trồng cây trên hai điểm cao. Huyện uỷ, chính quyền địa phương phải huy động xe tải, xe máy cày, xe máy cá nhân để đưa cây lên trồng”, ông A Plưng- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy kể.