Trên 360.000 người đang tham gia BHXH tự nguyện - Vẫn khiêm tốn
Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, tính đến 31/5/2019, toàn quốc có trên 360.000 người đang tham gia BHXH tự nguyện. Đây là con số khá khiêm tốn so với dư địa trên 30 triệu người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tiềm năng.
Việc phát triển BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn, theo bà Hạnh một mặt do những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức, mặt khác do những hạn chế ngay từ trong chính sách. Trước hết, có thể thấy nhóm lao động phi chính thức làm việc theo chế độ linh hoạt rất khó quản lý, họ hưởng lương, thu nhập khác từ nhiều nguồn khác nhau, không ổn định, không cố định về không gian, thời gian cụ thể.
Thứ hai, hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT của nhiều người lao động chưa đầy đủ, họ chủ yếu hiện nay mới chỉ quan tâm đến vấn đề tiền lương, thu nhập hằng tháng và lợi ích trước mắt mà chưa quan tâm đến việc phòng xa cho bản thân về sau này khi hết tuổi lao động.
“Trên thực tế, người lao động ở khu vực phi chính thức cũng thường bị ốm đau, thai sản, thất nghiệp cũng có xu hướng tăng cao. Do đó, nếu chúng ta không có chính sách tăng quyền lợi, mở rộng quyền lợi cho người lao động thì sẽ khó thu hút được họ tham gia BHXH tự nguyện”, bà Hạnh nhận định.
Làm sao để nhận lương hưu chỉ cần tiết kiệm 5.000 đồng/ngày
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là mạng xã hội có chia sẻ thông tin người dân chỉ cần tiết kiệm 5.000 đồng mỗi ngày để tham gia BHXH tự nguyện thì sẽ được hưởng lương hưu. Theo Phó Trưởng Ban thu BHXH Việt Nam Đinh Mai Hạnh, người dân có thể chỉ tiết kiệm chưa đến 5.000 đồng mỗi ngày là đã có cơ hội nhận lương hưu.
“Giả định người dân chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất hiện nay là mức thu nhập chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn, bằng 700.000 đồng/tháng; tương ứng với mức đóng BHXH là 154.000 đồng/tháng. Người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ bằng 10%, 25% đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 30% đối với người thuộc hộ gia đình nghèo tính trên mức đóng 154.000 đồng/tháng.
Như vậy, một người chỉ cẫn mỗi ngày tiết kiệm không đến 5.000 đồng để tham gia BHXH tự nguyện thì sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện và khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ là đã được hưởng lương hưu”, bà Hạnh phân tích.
Cũng theo Phó Trưởng ban Thu Đinh Mai Hạnh, trong hơn 10 năm qua, theo từng giai đoạn, BHXH Việt Nam có những giải pháp phù hợp để phát triển BHXH tự nguyện. Đặc biệt, kể từ sau Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân”, với sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, BHXH Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra.
Người tham gia BHXH tự nguyện và thân nhân được hưởng những quyền lợi sau: Hưởng lương hưu (khi nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên và có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên); Được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT khi đang hưởng lương hưu (không phải mua BHYT); Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ BHXH; Người đang hưởng lương hưu, hoặc người đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên, khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần; Được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm; Thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH. |