Theo BBC, tháng 4/2006, Văn phòng kiểm toán Chính phủ Mỹ ước tính chi phí toàn bộ cho mỗi chiếc F-22 vào khoảng 361 triệu USD. Tính tổng, dự án đầu tư vào loại tiêm kích mang biệt danh “Chim ăn thịt” này, đã “ngốn hết” khoảng… 67 tỷ USD. Đây được coi là dự án vũ khí hao tiền tốn của nhất trong lịch sử ngành quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Daily Beast (Mỹ), tiêm kích "dát vàng" này không an toàn trước các vũ khí Nga.
Các tên lửa không đối không tầm xa của F-22 kém hiệu quả trước các kỹ thuật gây nhiễu ra đa mới mà Nga phát triển. Hiện tại, Nga đang phát triển hệ thông gây nhiễu điện tử tiên tiến DRFM. Hệ thống này có thể phát ra tín hiệu giống y hệt tín hiệu từ ra đa máy bay đối phương), từ đó ngăn cản hoạt động của ra đa đối phương.
Hơn thế, hệ thống này có thể làm mù các ra đa nhỏ được trang bị trên các tên lửa không đối không như AIM-120 AMRAAM (Raytheon sản xuất), vốn là vũ khí tầm xa chính cho máy bay Mỹ và đồng minh. Đây cũng từng là vấn đề mà các tiêm kích Mỹ thế hệ trước như F-15, F-16, F/A-18 gặp phải.
Một quan chức cao cấp của Không quân Mỹ với nhiều kinh nghiệm về F-22 nhận định: “Trong nhiều năm nay, chúng tôi (Bộ Quốc phòng Mỹ) chưa có cách thức đối phó với hệ thống gây nhiễu điện tử của đối thủ. Thế nên dù máy bay tàng hình, nhưng tên lửa của chúng tôi vẫn khó có thể tấn công máy bay đối phương, chẳng hạn như Su-35 của Nga”.
Một quan chức Không quân khác với kinh nghiệm về siêu tiêm kích tàng hình mới F-35 cũng cho rằng: “Tên lửa AMRAAM đã được cải tiến nhiều nhưng vẫn chưa đối phó được với công nghệ tác chiến điện tử hiện nay.”
Trong tương lai không xa, AMRAAM cũng có thể bị các vũ khí mới trên thế giới vượt qua. Đặc biệt, Nga được cho là đang phát triển loại vũ khí tầm cực xa có tên K-100 có khả năng tấn công tốt hơn mọi vũ khí hiện nay.
Bên cạnh vấn đề năng lực tác chiến của tên lửa Mỹ, tiêm kích F-22 còn có điểm yếu về số lượng trang bị. Máy bay chiến đấu này chỉ có thể mang 6 tên lửa AMRAAM và 2 tên lửa tầm ngắn hơn là AIM-9 Sidewinder trong khoang vũ khí.
F-35 hiện chỉ có thể mang 4 tên lửa AMRAAM, và có thể sẽ mở rộng lên 6 quả. Các chiến đấu cơ “cũ” như F-15 Eagle không thể mang qua 8 tên lửa, F-16 thì không quá 6 quả.
Hạn hẹp đường sống cho tiêm kích tàng hình Mỹ
Một giải pháp tương đối đơn giản là phát triển tên lửa có thể tấn công mục tiêu sử dụng ra đa với băng tần hoàn toàn khác so với băng tần X (X- band) hiện tại.
Lầu Năm Góc cũng đang phát triển các tên lửa mới có thể phối hợp nhiều loại cảm biến như hồng ngoại và ra đa trên cùng một tên lửa, tuy vậy chưa đạt được kết quả đáng kể nào.
Mới đây, Hải quân Mỹ cải thiện tầm hoạt động của tên lửa AIM-9X lên 60% nhằm giúp phi đội của Mỹ có thể vượt qua vấn đề gây nhiễu ra đa từ đối phương. Tuy vậy, tầm hoạt động của nó còn chưa vượt quá AMRAAM.
Lựa chọn giải pháp khác là trang bị cho F-22 và F-35 tên lửa nhỏ hơn nhưng nhiều hơn. Hãng Lockheed Martin (Mỹ) đang phát triển tên lửa không-đối-không tầm xa nhỏ có tên Cuda giúp tăng gấp đôi hay thậm chí gấp ba số lượng tên lửa có thể mang trên máy bay, khiến các ưu thế của đối phương bị vô hiệu hóa.
Dù nhỏ nhưng Cuda có tầm hoạt động ấn tượng do không mang đầu đạn nổ, nó có thể đâm xuyên mục tiêu bằng động lực của mình. Tuy nhiên, không dễ để Cuda có thể vừa nhỏ gọn lại có tầm hoạt động xa.