Liên quan tới siêu dự án này, Cơ quan Hoạt động dự án tình báo công nghệ cao (Intelligence Advanced Research Projects Activity- IARPA) hôm 3/12 cho biết, International Business Machines Corp, Raytheon BBN Technologies và Northrop Grumman Corp đã giành các hợp đồng đầu tiên.
Theo đơn vị thuộc Văn phòng Giám đốc tình báo Mỹ, chương trình phức hợp máy tính đông lạnh (Cryogenic Computer Complexity -C3) này có mục tiêu xây dựng thế hệ siêu máy tính mới. Tuy nhiên, chi tiết về tài chính phục vụ dự án không được tiết lộ.
Giám đốc chương trình C3 của IARPA cho biết trong một tuyên bố: “Năng lượng cần thiết cho các máy tính cấu hình cao đang trở thành thách thức khó khăn cho cộng đồng tình báo, bởi vậy C3 được tiến hành nhằm giải quyết vướng mắc này”. Các máy tính này đều sử dụng lượng lớn điện năng.
Theo tạp chí ComputerWorld, cuộc cạnh tranh giữa Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, nước sử hữu máy tính nhanh nhất thế giới đang kích thích Mỹ đẩy nhanh phát triển thế hệ siêu máy tính siêu dẫn mới.
Trong tháng 11/2014 vừa qua, Bộ Năng lượng Mỹ đã đầu tư cho hãng Advanced Micro Divices (AMD) (Thiết bị vi mô tiên tiến) 32 triệu USD nhằm thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu.
Trên blog, Phụ trách công nghệ của AMD Mark Papermaster cho biết, năng lượng là trở ngại lớn nhất cho máy tính tính toán hàng tỷ tỷ phép tính trên giây.
“Các máy tính dựa trên thuyết lô-gic siêu dẫn, kết hợp với bộ nhớ đông lạnh sẽ cho phép mở rộng năng lực của các máy tính hiện tại, trong khi đó vẫn đảm bảo không gian và năng lượng cho phép, và có thể sẽ giúp tạo ra những siêu máy tính vượt cả mong đợi”, Marc Manheimer, Giám đốc chương trình C3 tại IARPA cho biết.
Hồi tháng 1/2014, Washington Post đưa tin Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đang đạt được những tiến bộ trong việc xây dựng “một máy tính lượng tử” có thể giúp bẻ khóa gần như mọi loại mật mã.
Tờ báo dẫn các tài liệu rò rỉ từ cựu nhân viên tình báo Edward Snowden cho hay máy tính này sẽ cho phép cơ quan tình báo mật bẻ mã khóa được sử dụng để bảo vệ các hồ sơ ngân hàng, y tế, doanh nghiệp và chính phủ trên toàn thế giới.