Thiếu giảng viên cơ hữu: Chất lượng đào tạo đi về đâu?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bài toán thiếu giảng viên, trình độ của giảng viên cũng như số lượng giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đang đặt ra rất nhiều băn khoăn đối với các nhà quản lí giáo dục về việc đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, một số cơ sở giáo dục ĐH đang có số lượng giảng viên thỉnh giảng (được tính chỉ tiêu tuyển sinh) cao hơn số lượng giảng viên cơ hữu.

Tại đề án tuyển sinh 2022 và 2023 của Trường ĐH Đông Đô cho thấy, số giảng viên cơ hữu của trường chiếm 45% và gần 44%. Hơn 50% còn lại là giảng viên thỉnh giảng. Trong cơ cấu giảng viên của trường, giảng viên trình độ thạc sĩ chiếm số lượng nhiều nhất.

Cụ thể, năm 2022, số giảng viên trình độ thạc sĩ là 104 (chiếm 46,22% tổng giảng viên toàn thời gian); năm 2023, số giảng viên trình độ thạc sĩ giảm 6 người, còn 98 người nhưng vẫn chiếm số lượng nhiều nhất, chiếm 46,45% tổng giảng viên toàn thời gian.

Thiếu giảng viên cơ hữu: Chất lượng đào tạo đi về đâu? ảnh 1

Hiện trường ĐH này đào tạo 5/7 khối ngành. Đại diện nhà trường cho biết số lượng giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng của một trường không nhất thiết phải cơ hữu nhiều hơn thỉnh giảng hay ngược lại, mà số lượng ấy phải đáp ứng được quy định duy trì ngành của Bộ GD&ĐT, tức là số giảng viên trên số sinh viên phải đáp ứng quy định.

Đội ngũ giảng viên không theo kịp chỉ tiêu tuyển sinh

Tuy quy định của Bộ GD&ĐT cho phép tỉ lệ phần trăm nhất định khối lượng kiến thức giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhận nhưng thực tế, người học cũng như dư luận không khỏi lo lắng đối với tình trạng lỏng lẻo trong tuyển dụng giảng viên hiện nay của một số trường ĐH.

Việc ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng tiến sĩ giả qua mặt một loạt trường ĐH, CĐ tại TPHCM để được tuyển dụng, bổ nhiệm, tham gia giảng dạy giống như một cú đá việt vị đối với những người trong ngành. Ông này thậm chí còn tham gia giảng dạy 6 năm tại một trường ĐH và còn suýt được bổ nhiệm trưởng khoa ở một trường CĐ. Trước đó, Trường ĐH Văn Lang đã phải quyết định miễn nhiệm một trưởng khoa vì bằng tiến sĩ do nước ngoài cấp của ông này chưa được Bộ GD&ĐT công nhận .

Từ những năm 2010, báo chí đã cảnh báo tình trạng chạy đua săn tiến sĩ để đủ điều kiện mở ngành, thành lập trường ĐH. Trong thời gian vừa qua, một số trường ĐH mở một loạt ngành mới để thu hút tuyển sinh. Từ năm 2020 đến năm 2023, trong vòng 4 năm, tổng số ngành đào tạo được Trường ĐH Văn Lang mở mới là 36 ngành.

Tại đề án tuyển sinh 2023, Trường ĐH Văn Lang thông báo tuyển sinh 62 ngành với tổng chỉ tiêu là 16.440 sinh viên. Trong đó, có 5 ngành có chỉ tiêu từ 1000 sinh viên: Truyền thông đa phương tiện (1000 chỉ tiêu), Công nghệ thông tin (1000 chỉ tiêu), Quản trị kinh doanh (1300 chỉ tiêu), Quan hệ công chúng (1400 chỉ tiêu), Marketing (1700 chỉ tiêu). Trong khi chỉ trước đó 2 năm, chỉ tiêu của trường này là 8.665 sinh viên.

Theo quy định hiện nay, số lượng sinh viên trình độ ĐH chính quy trên 1 giảng viên quy đổi theo lĩnh vực đào tạo dao động từ 15 - 25, với lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin chỉ số này là 20. Hệ số quy đổi giảng viên sẽ được tính theo từng trình độ, chức danh của giảng viên và khác nhau với giảng viên toàn thời gian (cơ hữu) và thỉnh giảng. Riêng với các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH, hệ số giảng viên thỉnh giảng được tính cao hơn.

Về quy định này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng các quy định của Bộ GD&ĐT chỉ là điều kiện tối thiểu về đảm bảo chất lượng, các trường cần phải tuân theo không chỉ số lượng mà phải cả chất lượng. Trong các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đội ngũ là điều kiện số 1.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra, Bộ GD&ĐT cũng cho biết để tránh tình trạng giảng viên đứng tên ở nhiều trường để lấy chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu ngành giáo dục trong đó có việc cập nhật dữ liệu danh sách giảng viên cơ hữu của các trường, khi các trường nhập liệu vào phần mềm phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu do mình nhập. Phần mềm là một trong những cơ sở để xác định trùng lặp giảng viên cơ hữu trong các trường, ví dụ: một người đang là giảng viên cơ hữu của một trường không thể là giảng viên cơ hữu trường khác.

Theo ông Cường thông tin hiện nay việc quản lý ở hai hệ thống khác nhau, có những tiến sĩ ở trường cao đẳng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý) nhưng đồng thời có tên ở trường ĐH. Bên cạnh đó, số giảng viên về hưu có thể cũng có tên ở một số trường. Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện hệ thống phần mềm để xác định rõ tình trạng này, từ đó mới có cơ sở xử lý.

MỚI - NÓNG