Mưa điểm 10 ngoại ngữ nhờ quy đổi chứng chỉ
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Trong đó, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh Điều 35 quy định về miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó, thí sinh có 17 loại chứng chỉ ngoại ngữ thuộc 6 thứ tiếng có thể được miễn thi và được công nhận đạt điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Chứng chỉ các thứ tiếng khác được quy định gồm: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật.
Với Tiếng Anh, số lượng chứng chỉ được tăng từ 2 lên 5. Ngoài chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4.0 như những năm trước, thí sinh có chứng chỉ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP), Aptis ESOL B1, B1 Preliminary/B1 Business Preliminary/B1 Linguaskill, PEARSON PTE B1 hoặc TOEIC 4 kỹ năng (nghe 275-399 điểm, đọc 275-384, nói 120-159, viết 120-149 điểm) sẽ được miễn bài thi ngoại ngữ.
Với các ngoại ngữ khác như tiếng Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, các chứng chỉ dùng để miễn thi giống năm trước.
Với quy định này, dự kiến sẽ có nhiều thí sinh được miễn thi bài thi ngoại ngữ.
Nhiều ý kiến cho rằng khi thí sinh đạt mức IELTS 4.0, TOEFL ITP 450, TOEFL iBT 45 được quy đổi thành điểm 10 bài thi ngoại ngữ là quá dễ dàng. Tổng kết kỳ thi 2023, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tổ chức hội nghị bàn thảo về phương án thi, trong đó sẽ xem xét lại mức điểm này. Tuy nhiên, trong dự thảo mới, mức điểm không thay đổi. Dự thảo sẽ xin ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 15/2/2024.
Nhiều ý kiến chuyên gia và giáo viên ngoại ngữ cho rằng Bộ GD&ĐT quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT để miễn xét tốt nghiệp THPT là dễ dãi và không công bằng. Từ khi đưa ngoại ngữ vào thi tốt nghiệp THPT, việc thí sinh đạt điểm 10 môn này có thể đếm trên đầu ngón tay nên điểm trung bình chung của cả nước thường đứng ở vị trí đội sổ. Năm 2022 cả nước chỉ có 425 bài thi ngoại ngữ đạt điểm 10 ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2023, môn tiếng Anh có 3 chứng chỉ được quy đổi là IELTS 4.0, TOEFL ITP 450, TOEFL iBT 45 điểm với gần 46.700 thí sinh đăng ký miễn thi (tương ứng với số điểm 10 bài thi ngoại ngữ), chiếm 4,5% tổng số thí sinh.
IELTS 4.0, chuẩn quá dễ
Ngô Thùy Linh, sinh viên năm 3 trường ĐH Hà Nội cho rằng, cách quy đổi này đã “lạc hậu” cần được thay đổi.
Theo Ngô Thùy Linh với mốc chuẩn này các bạn học sinh có ý định xét tuyển đại học có môn ngoại ngữ sẽ chỉ cần một thời gian ngắn là đạt được.
Linh cho rằng, nếu không xét đến chi phí thì rất nhiều học sinh sẽ chọn thi lấy chứng chỉ IELTS để quy đổi.
“Em thấy thí sinh đạt mức IELTS 4.0 được quy đổi thành 10 điểm môn ngoại ngữ là không còn phù hợp, nên để 6.0 trở lên khi đó điểm ngoại ngữ mới quy đổi là 10 sẽ phù hợp hơn”- Thùy Linh chia sẻ.
Thầy giáo Vũ Huy Tiến, giáo viên dạy Tiếng Anh của một trường quốc tế ở Hà Nội cho rằng, đã đến lúc cần nâng điểm quy chuẩn của các kỳ thi được dùng để quy đổi điểm thi ngoại ngữ ở kì thi tốt nghiệp.
Theo thầy giáo này, để đạt được điểm 10 môn tiếng Anh kì thi THPT là điều không phải dễ dàng, những thí sinh đạt được điểm 10 cần phải có khả năng vận dụng các kiến thức ngữ pháp ở các chủ đề tốt (không chỉ dừng lại ở mức độ hiểu mà đã lên được vận dụng cao), vốn từ vựng tốt (các bạn biết mở rộng các từ đồng nghĩa trái nghĩa, thành ngữ, cụm động từ…), đọc hiểu .
Ngoài ra, theo thầy Tiến, vốn từ vựng, khả năng đọc hiểu của những bạn 10 điểm đã vượt xa khả năng thông hiểu cơ bản, đã đạt được level cao hơn. Trái lại, mức độ 4.0 IELTS… chỉ dừng lại ở mức độ nhận biết, vận dụng và diễn đạt tiếng Anh cơ bản ở các kỹ năng.
“Thực tế cho thấy, những bạn đạt được điểm trên 9 môn tiếng Anh kì thi tốt nghiệp THPT khi làm các bài thi IELTS ít nhất cũng đã đạt 5.5, 6.0 sau một thời gian ôn luyện, và nắm được cấu trúc đề”- thầy Tiến nhận định.
Cũng theo thầy Tiến, bản thân đặc trưng tính chất của hai cách thi này khác nhau. IELTS, TOEFL… là các bài thi đánh giá khả năng tiếng Anh qua đủ 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Trái lại, kỳ thi tốt nghiệp THPT chú trọng vào việc vận dụng ngữ pháp, từ vựng tiếng Anh vào việc đọc và viết.
Khi kỳ thi THPT được quy vào đại trà, thì tất cả các yếu tố quy đổi phải dựa vào yếu tố ưu tiên ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu. Vì vậy, mức độ này theo các thang của các kỳ thi quốc tế phải cao hơn (bởi vì thực tế hiện nay các bạn nhỏ học cấp 1, cấp 2 đã có thể đạt 4.0 IELTS).
“Vì vậy, nên nâng điểm IELTS theo mức độ thông hiểu, vận dụng tiếng Anh ở trình độ cao hơn (5.5 hoặc 6.0), thậm chí có tiêu chí phụ chủ yếu dựa vào điểm bài thi đọc, viết (vì nó liên quan trực tiếp nhất đến các dạng của THPT) như vậy sẽ công bằng hơn với tất cả thí sinh”- thầy Tiến đề xuất.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà - Giảng viên thỉnh giảng tại Khoa Tiếng Anh (Học viện Ngoại Giao Việt Nam), giáo viên luyện thi IELTS tại Hà Nội cho rằng, về bản chất hai kỳ thi này không hề giống nhau.
Theo cô giáo Hà, kỳ thi IELTS bao gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, dù bản chất cũng gộp 4 kỹ năng trên, nhưng bài thi tổng hợp thiên về ngữ pháp và từ vựng. Việc quy đổi chứng chỉ IELTS 4.0 thành 10 điểm tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT là chưa hợp lý, gây ra sự bất công với thí sinh.
Cô Hà lý giải: "Nếu điểm IELTS của bạn cao thì bạn được coi là giỏi tiếng Anh, nhưng điểm tiếng Anh của bạn cao chưa chắc bạn đã thi được IELTS. Vì IELTS yêu cầu thí sinh phải có sự tư duy để trả lời thay vì hiểu câu hỏi thế nào thì mình trả lời thế đấy. Về bản chất bài thi tiếng Anh trong kỳ thi IELTS và tốt nghiệp THPT hoàn toàn khác nhau nên khó có thể đưa ra phương án quy đổi điểm đúng nhất.
Hơn thế nữa, mức chi phí cho việc học và thi IELTS không hề rẻ nên sẽ bất công với những thí sinh không có điều kiện học và thi chứng chỉ này. Thực chất, 4.0 IELTS không phải lúc nào cũng tương đương với trình độ đạt được điểm 10".
Theo cô Thanh Hà, nếu để quy đổi thì điểm 10 trong bài thi tốt nghiệp THPT nên tương đương với mức 5.5 IELTS.