> Ca sỹ & gà lậu
> Sao phân trần về việc đóng thuế thấp
Tại Festival Huế tháng 4/2012, nữ ca sĩ dòng nhạc chính thống đòi 50 triệu đồng cho chỉ một bài hát trong lễ khai mạc. Ban tổ chức cắn răng chịu, nhưng sau đó cô lại tự ý bỏ buổi tổng duyệt, khiến lãnh đạo Bộ VH-TT&DL tức giận gạch tên.
Chứng kiến tại chỗ lễ khai mạc hoành tráng, tôi nhận thấy bớt đi tiết mục của ca sĩ này hoàn toàn không hề hấn. Một sự kiện văn hóa, không phải kinh doanh, nhưng ca sĩ người nhà nước (biên chế của chính Bộ này) lại ra cái giá thị trường ngất ngư, và hành xử khá tự do.
Một nhà tổ chức uy tín ở TPHCM nhận định, giá 6.000 USD của Mỹ Tâm tại Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng là hữu nghị và “ưu tiên quê nhà” thật. Bởi với những sự kiện khai trương trung tâm thương mại hoặc nhãn hàng, con số là 10.000 USD.
Thuận mua vừa bán - nhiều người nói thế. Có thể, bởi phía tổ chức sự kiện đã kinh doanh ắt có lãi, trả bao nhiêu là chuyện của họ. Còn những khán giả bỏ ra vài triệu đồng để mua một vé xem chẳng hạn đêm nhạc Chế Linh ắt vui lòng gánh tất cả chi phí trong đó có mức cát sê 10.000 USD/sô.
Vấn đề là, như báo chí đã phát giác, số tiền nộp thuế lại chưa bao giờ tương xứng với thù lao. “Tiền vào như nước sông Đà/Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”.
Thế cho nên, Việt Nam bây giờ có vẻ như thiên đường của giới “ngôi sao”? Thử ngó qua Pháp, minh tinh Gerard Depardieur đã phải đánh đường sang Nga sinh sống để né thuế ở quê nhà. Mọi giới kể cả nhà báo đều phải trích từng đồng thu nhập để đóng thuế, trong khi những người được gọi là “của công chúng” này cứ xênh xang một cõi, mà chẳng ai làm gì được!?