Trọn đời nghiên cứu văn hóa dân gian
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh sinh năm 1934, quê ở Mỹ Văn (Hưng Yên), là con trai cả của danh họa Tô Ngọc Vân. Từ nhỏ cậu bé Tô Ngọc Thanh đã bộc lộ tình yêu âm nhạc, dù được cha mình tận tình chỉ dạy hội họa.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh từng tiết lộ hồi nhỏ thường trốn nhà đi nghe hát xẩm ở đầu phố Khâm Thiên (Hà Nội), thường đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát để nghe hát ả đào. Ông cũng tiết kiệm tiền mua sáo về học thổi sáo nhưng sợ gây ồn cho bố trong lúc bố làm việc, nên phải ra vườn hoa để luyện.
Sau này, danh họa Tô Ngọc Vân phát hiện con trai không đam mê mỹ thuật liền không bắt ép con theo học, bởi trong nghệ thuật không có năng khiếu thì "đừng đứng vào đó cho chật chỗ của người khác".
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh qua đời sáng 24/4, hưởng thọ 90 tuổi. |
Từ đó, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh lấy câu nói đó làm châm ngôn sống và tự do làm những gì mình thích. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Tô Ngọc Thanh từng là Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến những năm 1949-1951.
Năm 1951, Đoàn Văn hóa kháng chiến giải thể, ông Thanh thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Bắc, sau đó tiếp tục theo học khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên.
Năm 1959, Tô Ngọc Thanh được phân công về Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ đây, ông bắt đầu hành trình sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian các dân tộc, sống hòa nhập cùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao.
Nhiều năm lặn lội khắp vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc về âm nhạc dân gian như Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969), Âm nhạc dân gian Mường (1971), tư liệu Âm nhạc Cung đình Việt Nam (2000), ghi chép về văn hóa và âm nhạc - công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang...
Tư liệu Âm nhạc Cung đình Việt Nam của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh được xuất bản năm 2000. |
Từ năm 2010, ông bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và liên tục giữ chức vụ này trong nhiều năm. Với nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ về văn hóa dân gian, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh từng nhận Giải Nhất do Hội Văn nghệ dân gian (1972), 4 giải Nhất của tổ chức Trung tâm Văn hóa châu Á - Thái Bình Dương, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001.
Sinh thời ông từng nhấn mạnh việc chỉ ham tìm hiểu về dòng âm nhạc dân gian, bởi âm nhạc dân gian là âm nhạc của cuộc sống. Muốn hiểu người, hiểu đời phải hiểu ngọn nguồn của văn hóa.
"Việt Nam mình là nước nông nghiệp, đa phần là nông dân, họ sống ở nông thôn, nơi chứa đựng dòng văn hóa dân gian vô cùng phong phú. Vậy nên có thể nói văn hóa dân gian là cốt tử của người Việt Nam", GS.TSKH Tô Ngọc Thanh từng nói.
Cần mẫn, nghiêm túc
Sự đam mê, cần mẫn, nghiêm túc trong công cuộc nghiên cứu văn nghệ dân gian của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh để lại ấn tượng với đồng nghiệp, hậu bối, học trò.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - chia sẻ với Tiền Phong rằng GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là người có công lớn trong việc sưu tầm các tư liệu văn hóa dân gian.
"Ông lặng lẽ, cặm cụi gom nhặt những mảnh vụn của văn hóa dân gianđể làm thành những công trình nghiên cứu có giá trị cho những thế hệ sau. Với cương vị là người đứng đầu Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, ông đã làm trọn vẹn, cống hiến hết tài năng cho văn hóa dân gian của người Việt", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đi suốt, đi mọi nẻo đường có dấu vết văn hóa dân gian của người Việt.
Với nhiều đồng nghiệp, hậu bối, học trò, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là người luôn nghiêm túc, cần mẫn trong công tác nghiên cứu. |
Từng đồng hành với GS.TSKH Tô Ngọc Thanh trong nhiều chuyến điền dã và cuộc giới thiệu văn hóa dân gian Việt Nam ở Italy, TS. NSƯT Hải Phượng - Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống (Nhạc viện TP. HCM) - khẳng định ông dễ tính trong các hoạt động thường ngày nhưng rất nghiêm khắc trong công việc, đặc biệt là trong nghiên cứu.
"Mỗi lần ra Hà Nội, tôi đều cố gắng đến thăm thầy. Những câu chuyện cả hai luôn nói, hướng đến là âm nhạc dân tộc, văn hóa dân tộc. Ông là người hướng dẫn tôi tham gia Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Mỗi khi tôi gặp đề tài khó đều có thể xin sự hướng dẫn từ giáo sư", NSƯT Hải Phượng kể lại.
Lần cuối NSƯT Hải Phượng gặp GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là lúc ông đã yếu, gặp khó khăn đi lại nhưng ông vẫn minh mẫn, thậm chí kể chuyện cười cho học trò nghe. Với NSƯT Hải Phượng, điều chị luôn muốn học hỏi ở GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là tinh thần không ngừng tìm kiếm, học hỏi điều mới.