Xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nằm cách trung tâm huyện khoảng 5 km về phía Đông Bắc. Xã có diện tích tự nhiên gần 415 ha. Phía Đông Xã Quỳnh Đôi giáp xã Quỳnh Yên, phía Tây giáp xã Quỳnh Hậu, phía Nam giáp xã Quỳnh Bá và phía Bắc giáp xã Quỳnh Thanh. |
Xã Quỳnh Đôi được hình thành năm 1378. Ban đầu, làng có tên là Thổ Đôi Trang, đến năm 1528, được gọi là Quỳnh Đôi. Từ xa xưa, Quỳnh Đôi đã nổi danh với tên gọi “làng khoa bảng”, được dân gian truyền tụng: “Bắc Hà - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi” để nói đến 2 ngôi làng nổi tiếng ở miền Bắc và miền Trung về truyền thống hiếu học, là đất “địa linh nhân kiệt” nơi sinh ra nhiều danh nhân. |
Theo đề án, xã Quỳnh Đôi được sáp nhập cùng với xã Quỳnh Hậu cạnh bên. Trước đó huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có tờ trình gửi tỉnh Nghệ An đề xuất lấy tên gọi mới cho 2 xã này là Đôi Hậu đã khiến dư luận có nhiều ý kiến băn khoăn trái chiều. Tỉnh Nghệ An sau đó không chấp thuận tờ trình và yêu cầu huyện Quỳnh Lưu làm lại quy trình đặt tên mới cho 2 xã. |
Cổng làng xã Quỳnh Đôi là một trong những cổng làng to nhất ở Nghệ An. Theo thiết kế, cổng làng cao 14 m, rộng 22 m. Cổng có một cửa chính và hai cửa phụ. Hướng vào cổng có chữ Làng Quỳnh Đôi, hướng từ trong nhìn ra có chữ Khai Cơ 1378 (tức làng Quỳnh Đôi được lập năm 1378). Cổng làng được xây dựng và khánh thành năm 2016 từ nguồn tiền công đức của những người con xa quê. |
Quỳnh Đôi có 8 Di tích lịch sử văn hoá quốc gia, nhiều công trình đền thờ, di tích cổ kính. |
Sau cánh cổng làng, đầu tiên là quần thể mộ và nhà thờ Hoàng giáp - Thượng thư Quỳnh quận công Hồ Phi Tích. Công trình được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 2015. |
Kế bên quần thể khu nhà thờ và mộ Hồ Phi Tích là vườn trúc rộng hàng trăm mét vuông. Cạnh đó là cụm bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, lăng mộ nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu và bia tưởng niệm anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan. |
Ở các ngã đường đều được cắm biển chỉ dẫn rõ ràng tới những địa danh nổi tiếng trên địa bàn xã để du khách dễ dàng tìm đến thăm. Các địa danh đều được ghi trên tấm gỗ tạo hình bằng con cá gỗ. Năm 2023, xã Quỳnh Đôi cũng đã ra mắt tour du lịch “Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang”. |
Nằm cách trung tâm xã khoảng 500 m là nhà thờ họ Hồ đại tộc tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 6.000 m2. |
Công trình được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992 để tưởng niệm cụ Hồ Kha (người có công lập xã) cùng các bậc hậu duệ trong họ có công với đất nước. |
Bức tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương - người được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm, ở khuôn viên nhà thờ họ Hồ đại tộc. |
Cách nhà thờ họ Hồ đại tộc chừng 200 m là di tích lịch sử văn hóa quốc gia nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ. Nhà thờ được xây dựng để tưởng nhớ Nguyễn Thạc cùng các bậc tiền nhân trong dòng họ có công giúp nước, giúp dân. Nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ có nhiều hạng mục cổ kính, thiết kế theo kiến trúc thời Trần, |
Ở xã Quỳnh Đôi còn có nhà thờ họ Dương cũng là công trình kiến trúc cổ tồn tại hàng trăm ở làng Quỳnh. Đây là dòng họ có truyền thống cách mạng và hiếu học, nhiều người đỗ đạt thành danh, được vua Lê ban tặng 8 chữ vàng "Thanh bạch môn phong, thế xuất khoa bảng", dịch nghĩa là "Nếp nhà thanh bạch, đời cử khoa danh". |
Đình Quỳnh Đôi nằm đối diện với trụ sở UBND xã Quỳnh Đôi, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991. Đình trước đây là trung tâm hành chính, văn hóa của làng Quỳnh. |
Các di tích lịch sử ở xã Quỳnh Đôi đều mang nét cổ kính, có kiến trúc độc đáo. Trải qua hàng trăm năm, các di tích vẫn còn nguyên giá trị. |
Nhiều bia đá cổ tại các di tích ở xã Quỳnh Đôi. |
Ngoài các di tích lịch sử trên, xã Quỳnh Đôi còn nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh khác như đền thờ Hoàng Khánh (được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1998), nhà thờ và mộ Hồ Tùng Mậu (được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 2000), mộ và đền thờ Hồ Sỹ Dương (được công nhận năm 2007), đền Thần (được công nhận năm 2013). |
Theo thống kê, từ năm 1378 đến năm 1918, Quỳnh Đôi có đến 734 người đậu Tú tài và Cử nhân. Có 4 người đỗ Phó bảng, 7 người đỗ Tiến sĩ, 2 người đỗ Hoàng giáp, 1 người đỗ Thám hoa.
Tiêu biểu trong đó là Hoàng giáp - thượng thư Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích; ông Hồ Sỹ Dương đậu giải nguyên Đông các; nữ sỹ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm thế kỷ 18 với những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam và thế giới, là Danh nhân Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận.