Cách đó một tháng, các tộc họ ở làng An Hải cũng tổ chức lễ này. Những người đi theo nhiều kỳ tổ chức lễ và các cụ già ở đảo vẫn cảm giác hụt hẫng, nhớ nhớ, thương thương những cây đại thụ - những người mỗi khi nhắc đến Hùng binh Hoàng Sa - thì lập tức như người nhập thần.
Tìm tên Hùng binh Hoàng Sa
Cuối tháng 2 Âm lịch, các tộc họ ở làng An Hải nằm ở cuối đảo đã tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ông Phạm Đoàn, hậu duệ của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa – Phạm Hữu Nhật nhìn lên lá cờ cắm trước ngôi nhà cổ và nói lời cầu mong ông bà trở về với con cháu, dự bữa cơm, con cháu dâng trầu, rót rượu để tưởng nhớ ông bà ngày trước đã nhận lệnh triều đình đi thuyền buồm ra Cát Vàng (Hoàng Sa) để dựng bia, cắm mốc, đo đạc thủy trình, trong đó có ông Phạm Hữu Nhật có đi mà không trở về.
Gần một tháng sau, vào ngày 24/4/2024 (tức ngày 16/3 Âm lịch), bà con ở làng An Vĩnh làm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Có nghĩa là ở huyện đảo Lý Sơn có 2 làng làm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, nhưng phần lớn mọi người biết đến lễ do làng An Vĩnh tổ chức, còn làng An Hải chỉ tổ chức âm thầm trong tộc họ nên nhìn vào chiều sâu vẫn phảng phất sắc màu bí ẩn.
Chỉ riêng việc ông Phạm Đoàn nhấn giọng và nói “nhất định không bao giờ mở cái hộp gỗ đựng phổ hệ này ra” cũng đã khiến người viết tò mò.
Các đại biểu dự lễ. Ảnh: Nguyễn Ngọc. |
Năm 2010, tộc họ Phạm của ông Đoàn lần đầu nhận lời mở hộp phổ hệ cho Tiến sĩ Nguyễn Nhã (ở TP.HCM) và cụ Võ Hiển Đạt xem để dịch văn bản chữ Nho, tìm xem trong tộc họ của ông có bao nhiêu người đi lính Hoàng Sa.
Từ đó, các nhà nghiên cứu biết được sâu hơn về tầm vóc của một người từng giữ chức Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa – Phạm Hữu Nhật, cùng với tên của thân sinh, anh chị em, dòng tộc.
Nhắc đến tên của ông Võ Hiển Đạt là giọng của cụ Đoàn như chùng xuống và khen ngợi con người của ông Đạt như một cây đại thụ ở đảo Lý Sơn. Cụ Võ Hiển Đạt, sinh năm 1930, người được các nhà văn hóa ví như "kho sử sống" ở đảo Lý Sơn.
Trước ngày ông Đạt xuống để mở xem tờ chữ Nôm trong hộp gỗ, gia tộc của Phạm đã tổ chức cúng giỗ để báo cáo và xin phép ông bà theo lệ xưa nay. Trong lễ cúng, ông Đoàn gieo 2 tờ tiền xu Minh Mạng cùng với lời nguyện. Hai tờ tiền được thả xuống chiếc đĩa sành, quay đều mấy vòng, sau đó nằm ở tư thế âm – dương, tức một đồng sấp một đồng ngửa. Mọi người trong tộc thở phào và nói “được rồi, ông bà ngó nghĩ và cho phép con cháu mở phổ hệ ra xem”.
Các thành viên Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh thực hiện các nghi thức của lễ khao lề. Ảnh: Nguyễn Ngọc. |
Bảy năm sau khi thực hiện sứ mệnh dịch nghĩa văn bản chữ Nôm trong hộp phổ hệ, cụ Võ Hiển Đạt qua đời. Những di sản cụ để lại thì rất nhiều, trong đó có việc phục dựng lại chiếc thuyền câu lính Hoàng Sa từng đi giữ đảo.
Truyền lòng yêu nước
Trong dòng tộc của cụ Phạm Đoàn có ông Phạm Thoại Truyền (sinh năm 1943) là một người say mê nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép lại những câu chuyện được truyền miệng về các bậc tiền nhân. Ông Truyền là hậu duệ đời thứ 5 của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa – Phạm Hữu Nhật. Mỗi khi gặp các nhà báo, ông Truyền nói say sưa và không thể ngắt lời của ông, vì câu chuyện của ông khá cuốn hút. Ông mang ra xấp giấy đã úa màu, là cuốn sổ địa bạ viết bằng chữ Nho.
Hồi trống báo hiệu bắt đầu nhập lễ khao lề. Ảnh: Nguyễn Ngọc. |
Sau khi cụ Võ Hiển Đạt qua đời, các nhà báo thường phỏng vấn ông Truyền, nghe ông kể lại những chuyện xưa tích cũ, nhất là những đoạn lịch sử bi tráng khi những thanh niên Lý Sơn bước xuống thuyền câu, kéo buồm đi 3 ngày 3 đêm để ra tới Hoàng Sa. Giọng kể của ông Truyền vẫn đong đầy nỗi xót thương ông bà ngày trước ra đảo đầy gian nan và có nhiều người đã nằm lại không trở về.
Năm 1983, có một số ngư dân Lý Sơn đã trèo lên quần đảo Hoàng Sa, đi dạo ở đảo Hữu Nhật và nhìn thấy một cột đá có khắc tên của Phạm Hữu Nhật. Câu chuyện này làm ông Truyền thêm một lần ghi nhớ, ghi chép lại cho con cháu.
Trong dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2023, các nhà báo gặp gỡ và vẫn nghe ông Truyền say sưa kể chuyện. Ông còn dẫn mọi người tới ngôi mộ gió nằm giữa ruộng hành tỏi để thắp hương cho Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa – Phạm Hữu Nhật. Vậy rồi ông cũng ra đi đột ngột và mọi người lại tiếp tục chép miệng nhắc “ra đảo biết tìm ai nhiệt tình như ông Truyền để kể tiếp câu chuyện về đội Hùng binh Hoàng Sa”.
Mâm cúng với đầy đủ lễ vật được chuẩn bị chu đáo cho Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Ngọc. |
Năm 2009, báo chí cả nước dậy sóng trước tin tức “phát hiện tờ lệnh Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn”. Ngày đó, báo chí khắp nơi ra đảo Lý Sơn và tìm về xóm nhỏ Đồng Hộ để ngồi nghe ông Đặng Lên kể chuyện vì sao dòng tộc bảo quản được tờ lệnh Hoàng Sa suốt 175 năm qua. Ông Lên có khiếu kể chuyện, vừa nhắc chuyện cũ, vừa gắn với đời sống của bà con ngư dân huyện đảo Lý Sơn đang đêm ngày bám giữ đảo.
Những câu chuyện của ông được báo chí đăng tải đã tạo ra cơn sóng lòng, triệu người hướng về chủ quyền biển đảo thiêng liêng Hoàng Sa, Trường Sa. Vài năm sau ông Lên qua đời.
Linh cảm Hoàng Sa
Tại bàn đại biểu dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức vào sáng 24/4 có những khuôn mặt quen thuộc, dành nhiều công sức cho Hoàng Sa, đó là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, hiện nay là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu.
Nghi thức tế lễ trước bài vị các hùng binh Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Ngọc. |
Thổi ốc u đưa thuyền câu ra biển. Ảnh: Nguyễn Ngọc. |
Nghi thức rước và thả thuyền câu ra biển. |
Trong buổi lễ, ông Vũ chăm chú dõi theo từng động tác của pháp sư bắt quyết, hô mây gọi gió, sau đó gọi người rắc gạo, muối phát cho binh lính chuẩn bị sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ ra trấn giữ Hoàng Sa. Nhìn hình ảnh đó, người ta nhớ tới những ông cụ từng vào vai pháp sư phát quân lương cho lính Hoàng Sa, nhưng thần thái khiến người xem như bị hút hồn, đó là ông Võ Hiển Đạt, Nguyễn Cậu, Võ Văn Toại…
Cụ Toại sinh năm 1939, một pháp sư nổi tiếng chuyên nặn hình nhân đặt đặt dưới những ngôi mộ gió (đã qua đời). Thời còn sống, khi nói tới việc cấp quân lương cho lính Hoàng Sa, hồn cụ như lạc về một cõi khác, ánh mắt trợn tròn, cơ mặt căng ra, cụ cứ đăm đăm nhìn về phía trước và dồn hết tâm trí vào câu chuyện đang kể.
Có một người ít được báo chí nhắc đến, nhưng cũng là một cây đại thụ ở đảo và được gọi là “người thầy của cả đảo Lý Sơn”, đó là cụ Dương Quỳnh, sinh năm 1920, nguyên là giáo viên từ thời Pháp thuộc.
Năm 103 tuổi, cụ vẫn kể những câu chuyện chi tiết tới từng ngày, giờ cách đây gần 90 năm về trước. Cụ cũng hé lộ những lần tới các nhà thờ để tìm tài liệu chữ Nôm nói về lính Hoàng Sa.
Những cây đại thụ ở đảo Lý Sơn một thời giờ đã được viết vào gia phả, đặt trong các hộp gỗ của dòng tộc. Trong ảnh: Cụ Phạm Đoàn với phổ hệ có ghi tên gia đình Chánh Đội trưởng thủy quân Hoàng Sa – Phạm Hữu Nhật. Ảnh: Văn Chương. |
Dường như linh cảm về số phận đã như ngọn đèn sắp hết dầu, cụ Quỳnh nhắc chuyện Hùng binh Hoàng Sa một thuở và nói “mong sau này con cháu mãi mãi giữ gìn, nơi nào tổ chức để phục vụ khách du lịch thì cứ tổ chức, nơi nào tổ chức gọn nhẹ trong dòng tộc thì cũng phải tiếp tục, vì nếu quên mất Hoàng Sa là có tội rất lớn với tổ tiên ông bà”.