Quy hoạch hướng đến việc kiểm soát, điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong lưu vực sông, chuyển nước giữa các lưu vực sông và quy định về việc quản lý các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước quy mô lớn.
Khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các đảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng đề án thí điểm hóa khôi phục một số dòng kênh, sông ô nhiễm. Ảnh: NGUYỄN HOÀI |
Đồng thời đề ra các giải pháp hướng tới các mục tiêu trên như chủ trì xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình toán để hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông lớn. Rà soát, điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông hướng tới theo thời gian thực. Đặc biệt, nghiên cứu các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt, tích trữ nước nhằm khắc phục tình trạng hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn.
Quy hoạch cũng hướng đến việc cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Trong đó, ưu tiên các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xã hội hóa, đặc biệt là trên dòng chính sông Hồng, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn và sông Ba.
Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, trước mắt, trong giai đoạn đến 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm xã hội hóa phục hồi sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt làm căn cứ triển khai.