Hà Nội quyết 'hồi sinh' các dòng sông: Ngổn ngang xử lý nước thải

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo báo cáo của cơ quan chức năng Hà Nội, hiện thành phố mới xử lý đạt gần 30% trong tổng số khoảng 1 triệu mét khối nước thải mỗi ngày trên địa bàn, trong khi nhiều trạm xử lý nước thải đầu tư xong bỏ hoang, nhiều dự án chưa được đầu tư, nhiều khu đô thị chưa có trạm xử lý, nước thải đổ thẳng ra sông, hồ Hà Nội.

Nghịch lý xây xong bỏ hoang

Trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp xã Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) được đầu tư xây dựng khá bề thế, nhưng nhiều năm nay không hoạt động. Cổng vào Trạm bị nhiều cây gỗ lớn, vật dụng của các hộ kinh doanh chắn ngang. Biển tên Trạm xử lý nước thải cũng rơi rụng hết, chỉ còn thấy thấp thoáng dấu sắc và dấu hỏi của hai chữ “nước thải”.

Hà Nội quyết 'hồi sinh' các dòng sông: Ngổn ngang xử lý nước thải ảnh 1

Trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp Liên Hà (Đan Phượng) hiện không hoạt động. Ảnh: Trường Phong

Khuôn viên Trạm mọc nhiều cỏ dại, người dân tận dụng nuôi thả gà chọi. Trao đổi với phóng viên, một số người dân ở cụm công nghiệp Liên Hà cũng không biết Trạm xử lý nước thải này hoạt động ra sao, bởi trong cụm công nghiệp chủ yếu làm nghề mộc, thường không hoặc phát sinh ít nước thải.

Tình trạng Trạm xử lý nước thải đầu tư xong rồi bỏ hoang, không đưa vào sử dụng không phải là hiếm ở Hà Nội. Tại cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều (Thanh Trì), Trạm xử lý nước thải được đầu tư cách đây hàng chục năm cũng không đưa vào sử dụng. Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, nhiều hạng mục của Trạm xử lý nước thải đã hư hỏng, gần như không thể phục hồi.

Đại diện lãnh đạo xã Tân Triều cho biết, nguyên nhân “bỏ hoang” công trình này là do trước đây, đơn vị được giao vận hành, quản lý không thực hiện được nhiệm vụ, sau chuyển giao cũng không vận hành được do máy móc đã hư hỏng. Vì thế, theo lãnh đạo xã Tân Triều, dù có Trạm xử lý nước thải, các nhà máy, đơn vị trong Cụm công nghiệp phải tự xử lý nước thải trước khi thải ra hệ thống chung của thành phố.

Tại quận Long Biên, Trạm xử lý nước thải Khu đô thị Việt Hưng, vốn được đầu tư xây dựng hoàn thiện để xử lý nước thải cho hàng nghìn hộ dân, nhưng hiện nay chưa thể đưa vào hoạt động.

Hà Nội quyết 'hồi sinh' các dòng sông: Ngổn ngang xử lý nước thải ảnh 2

Phương tiện thi công hệ thống cống bao dọc sông Tô Lịch của Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: Trường Phong

Theo tìm hiểu, Trạm do Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) xây dựng đã nhiều năm, nhưng chưa chuyển giao được cho chính quyền. Trạm được đầu tư khá đồng bộ, có hai bể chứa nước cùng hàng loạt các hạng mục liên quan như máy ép bùn, bể khử trùng… Nhiều hạng mục đã cũ. Hai bể nước cũng phủ rêu xanh, nước có vẻ tù đọng lâu ngày.

Theo đơn vị chuyên môn thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, Trạm xử lý nước thải này có công suất xử lý 7.660mét khối/ngày đêm, hiện đang được tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, hoàn thiện công nghệ để bàn giao, dự kiến hoàn thành đưa vào quản lý từ tháng 4/2023.

Loạt dự án chậm tiến độ

Là huyện có lộ trình phát triển lên quận, Hoài Đức đang phấn đấu đạt nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí về xử lý nước thải. Mới đây, cử tri huyện Hoài Đức kiến nghị thành phố sớm hoàn thiện đầu tư các dự án xử lý nước thải trên địa bàn.

Cụ thể, Nhà máy xử lý nước thải xã Vân Canh có công suất 4.000 mét khối/ngày đêm, cấp có thẩm quyền đã phê duyệt dự án, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng từ năm 2016 đến năm 2021, đã được UBND thành phố đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2026, kiến nghị hoàn thành trong năm 2024.

Cũng trên địa bàn huyện Hoài Đức, Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng tiến độ thực hiện rất chậm, HĐND thành phố đã tổ chức giám sát, đôn đốc thực hiện, kiến nghị hoàn thành năm 2022.

UBND thành phố thông tin, dự án đã hoàn thành 3/4 gói thầu xây lắp chính, 1 gói thầu hoàn thành 95% khối lượng, phần còn lại do vướng mặt bằng thi công. Do khó khăn vướng mắc về mặt bằng và một số nội dung phát sinh cần điều chỉnh, thành phố đã xem xét đề xuất của các Sở, ban ngành cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2023.

Hà Nội quyết 'hồi sinh' các dòng sông: Ngổn ngang xử lý nước thải ảnh 3

Nước thải của thành phố Hà Nội qua trạm bơm Cụm cụm Công trình đầu mối Yên Sở nổi bọt trắng xoá theo kênh dẫn đổ thẳng ra sông Hồng. Ảnh: Trường Phong

Để nâng tỷ lệ xử lý nước thải, UBND thành phố Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, với mục tiêu nâng mức xử lý nước thải đô thị của thành phố lên 50 – 55%.

Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, hiện trên địa bàn có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng – lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ, tổng công suất là 276.300 mét khối/ngày đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.

“Tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu nước thải được xử lý trên địa bàn thành phố đến năm 2020 đạt 60% lượng nước thải được thu gom và xử lý theo Quyết định của Thủ tướng”, UBND thành phố Hà Nội nêu.

Theo tìm hiểu, dự án này bao gồm 4 gói thầu chính, trong đó có nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000 mét khối/ngày đêm; xây dựng hệ thống cống chính, cống bao sông Tô Lịch, sông Lừ, một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới.

Theo tiến độ ban đầu, thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2013 – 2021, tuy nhiên, mới đây, tại cuộc làm việc của lãnh đạo Thành uỷ Hà Nội, phía Ban QLDA cho biết, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, gói thầu số 3, 4 mới hoàn thành được 10% và 20% khối lượng hợp đồng. Vì thế, UBND thành phố đã đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025.

MỚI - NÓNG