Thông báo trên Twitter chính thức ngày 11/3, Bộ Quốc phòng Latvia cho biết, chiến đấu cơ Typhoon ngày 10/3 đã chặn máy bay tiếp dầu Il-78 của Nga trên không phận biển Baltic, và đây là lần thứ 7 trong vòng 30 ngày, các chiến đấu cơ được NATO điều động từ Italia đối đầu với lực lượng Không quân Nga. Trước đó, trong các ngày 9, 13, 27/2 và 5/3, máy bay chiến đấu Typhoon đã phải xuất kích để chặn máy bay trinh sát IL-20 của Không quân Nga. Ngày 3 và 6/2, Typhoon chặn máy bay vận tải quân sự IL-76 và IL-anti-38. Sự việc mới nhất diễn ra vào thời điểm hơn 120 đơn vị vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng Abrams, xe chiến đấu Bradley, Scout Humvees… vừa được Mỹ chuyển giao cho các đồng minh NATO tại Baltic là Latvia, Estonia và Lithuania nhằm “đảm bảo sự an toàn của ba quốc gia Baltic và chứng tỏ tình đoàn kết của các thành viên NATO”. Bộ Quốc phòng Nga nhiều lần tuyên bố rằng, tất cả các chuyến bay của Không quân Nga thực hiện theo đúng quy định quốc tế về việc sử dụng không phận trên vùng biển trung lập và không vi phạm biên giới của các quốc gia khác, theo Lenta.
Ngày 10/3, các quốc gia thành viên NATO gồm Bulgaria, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Canada, Đức và Italy đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân đa quốc gia trên Biển Đen, gần khu vực tiếp giáp với bán đảo Crimea. Lực lượng phản ứng nhanh hải quân đa quốc gia gồm có một tàu chỉ huy của Mỹ, tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Vicksburg và các tàu của 6 quốc gia khác cùng tham gia. Dự kiến, hoạt động này sẽ bao gồm các cuộc diễn tập dựa trên kịch bản giả định về giao chiến chống tàu ngầm, chống máy bay cũng như các cuộc tấn công bằng tàu nhỏ. Cuộc tập trận nói trên của NATO đã vấp phải sự phản đối của Nga. Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích cuộc tập trận trên là "hành động khiêu khích" và "đáng báo động". Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga đã tiến hành các cuộc tập trận tại khu vực Stavropol, miền Nam nước này. Bộ Quốc phòng Nga cho hay cuộc tập trận trên có sự tham gia của các pháo binh cùng các hệ thống phóng rocket đa nòng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích NATO gia tăng các hoạt động quân sự gần khu vực biên giới với Nga, đồng thời kêu gọi giải quyết các tranh cãi với Liên minh châu Âu (EU) thông qua đối thoại. Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo ngày 10/3, ông Lavrov nêu rõ: "Việc gia tăng các hoạt động quân sự gần khu vực biên giới với Nga không góp phần xây dựng lòng tin tại châu Âu và khu vực Đại Tây Dương. Chúng tôi sẽ phải đáp trả điều đó một cách thích đáng...". "Nga cho rằng những vấn đề như vậy cần được giải quyết thông qua đối thoại bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi hy vọng EU sẽ hành xử một cách lý trí bởi việc bình thường hóa quan hệ có lợi cho cả Nga và liên minh này", ông Lavrov nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngày 10/3 đưa ra nhận định, rằng nhiều khả năng Moscow sẽ một lần nữa gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của London, do đó các cơ quan tình báo Anh đang tăng cường nỗ lực thu thập thông tin về nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin. Trong bài phát biểu tại thủ đô London, ông Hammond nói: "Cách hành xử gây hấn của Nga như một sự nhắc nhở mạnh mẽ rằng Moscow có nguy cơ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của chúng ta. Do đó, việc không ngừng thu thập thông tin tình báo về các năng lực và ý đồ của Nga sẽ vẫn là phần sống còn trong hoạt động tình báo của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các cơ quan tình báo của chúng ta lại tiếp tục tuyển dụng những người nói tiếng Nga”, theo Vietnamplus.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhận định một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn còn rất xa vời và Kiev cần được hỗ trợ đáng kể để vực dậy nền kinh tế tiêu điều. Trả lời họp báo trong chuyến thăm Buldaria, ông Steinmeier nói: "Lộ trình mà chúng ta đã và đang triển khai có lẽ chỉ là bước đi đầu tiên để làm dịu tình hình. Tất cả chúng ta đều biết rằng vẫn còn một chặng đường rất dài nữa trước đi tiến tới một giải pháp. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh đến sự can dự tài chính mà chúng ta sẽ thực hiện với Ukraine do tình hình kinh tế nước này đang hết sức tồi tệ".
Người phát ngôn Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, ông Andrei Lysenko chiều ngày 10/3 cho biết: “Chúng tôi luôn sẵn sàng cho bất kỳ cuộc tấn công nào, bất kể ban ngày cũng như ban đêm”. Theo ông Lysenko, các dữ liệu mà Tiểu đoàn Azov thu thập được cho biết, lực lượng ly khai có thể tiến hành các cuộc tấn công trên tất cả các mặt trận Donbass sau ngày 10/ 3. Người phát ngôn Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine cũng cho biết thêm rằng, Donbass vẫn trong “tình trạng chiến tranh”, và rằng “nếu ly khai tấn công, pháo hạng nặng của quân đội Ukraine đã được rút khỏi vùng chiến tuyến, sẽ ngay lập tức được huy động trở lại mặt trận”. (Xem chi tiết)
Ngày 10/3, nguồn tin an ninh từ tỉnh Salahudin, miền Trung Iraq, tiết lộ rằng lực lượng an ninh nước này đã phát động một đợt tấn công quy mô lớn nhằm vào các phiến quân thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với mục tiêu giải phóng thành phố Tikrit, thủ phủ của Salahudin. Dưới sự yểm trợ của hàng chục xe tăng, xe thiết giáp, pháo hạng nặng và máy chiến đấu, quân đội và lực lượng cảnh sát Iraq cùng hàng nghìn dân quân dòng Shi'ite lẫn Sunni đã tiến vào các khu vực lân cận của thành phố từ các hướng Tây, Nam và Bắc.
Phát biểu tại thủ đô New Delhi ngày 10/3 khi bắt đầu chuyến công du năm ngày tới ba nước Seychelles, Mauritius và Sri Lanka, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố nước này rất coi trọng việc tăng cường quan hệ với các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương, đồng thời tin tưởng chuyến thăm sẽ tiếp thêm sinh lực cho các mối quan hệ này. Thủ tướng Modi nhấn mạnh rằng chuyến thăm của ông tới ba quốc đảo tại khu vực phản ánh ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với các nước láng giềng liền kề và mở rộng, theo Vietnamplus.
Thủ tướng New Zealand John Key ngày 10.3 tuyên bố nước này đang bị “khủng bố sinh thái”, sau khi nhận được thư nặc danh đe dọa bỏ độc vào sữa bột dành cho trẻ em ở nước này. Cảnh sát nước này cùng ngày cho biết họ xem xét nghiêm túc lời đe dọa sau khi những gói nhỏ sữa bột trẻ em chứa chất độc được gửi đến Liên đoàn Nông dân quốc gia và Hãng sữa Fonterra. Giới chức đã khuyến cáo các bậc cha mẹ kiểm tra những bao bì có dấu hiệu giả mạo, còn các siêu thị được yêu cầu cất sữa hộp vào kho để người mua hàng không thể tiếp cận được. Các bức thư đe dọa sẽ bỏ thuốc trừ sâu vào sữa bột nếu New Zealand không ngừng sử dụng chất sodium fluoroacetate (1080) vào cuối tháng 3/2015. Vụ việc xảy ra giữa lúc ngành công nghiệp sữa New Zealand đang chật vật gượng dậy sau vụ bê bối nhiễm độc năm 2013 liên quan đến Hãng Fonterra.
Giá dầu hạ trên thị trường châu Á trong phiên chiều 10/3 trong bối cảnh đồng bạc xanh tăng giá. Chiều cùng ngày tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tư giảm 11 cent xuống 49,89 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 35 cent xuống 58,18 USD/thùng. Đồng USD tăng giá từ phiên cuối tuần trước (6/3) do các số liệu việc làm khả quan hơn dự đoán của Mỹ, làm gia tăng kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào khoảng giữa năm nay.