THẾ GIỚI 24H: Tiết lộ sốc về vụ cựu Phó thủ tướng Nga bị sát hại

Người Nga tuần hành tưởng niệm nhà lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov
Người Nga tuần hành tưởng niệm nhà lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov
TPO - Nghi phạm Zaur Dadaev cho biết, Boris Nemtsov đã bị giết chết bởi các báo cáo mang tính tiêu cực của ông về người Hồi giáo và Hồi giáo nói chung.

Hãng Lenta ngày 9/3 dẫn các nguồn tin giấu tên từ cơ quan điều tra Liên bang Nga cho biết, Zaur Dadaev, một trong 5 nghi phạm bị bắt giữ liên quan đến vụ sát hại cựu Phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov, đã nhận tội. Theo lời khai, vào tháng 1/2015, Zaur Dadaev được biết đến các báo cáo mang tính tiêu cực của nhà lãnh đạo phe đối lập Nga về người Hồi giáo và Hồi giáo nói chung, và “là một tín đồ đích thực", đối tượng này "không thể chịu đựng được quan điểm đó”. Hiện cơ quan điều tra Liên bang Nga chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Trước đó, nguồn tin từ Tòa án quận Basmanny ở Moscow, nơi giam giữ các nghi phạm liên quan tới vụ sát hại cựu Phó thủ tướng Nga Nemtsov cho biết: “Zaur Dadaev đã thú nhận tham gia vào việc ám sát Boris Nemtsov”. Thẩm phán Natalia Mushnikova cũng cho biết, Tòa án quận Basmanny đã chính thức buộc tội 2 trong số 4 nghi phạm trong vụ sát hại chính trị gia đối lập Nemtsov. "Các cá nhân còn lại vẫn thuộc diện tình nghi", Thẩm phán Natalia Mushnikova nói, theo Lenta.


Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 8/3, kêu gọi thành lập lực lượng quân đội Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh quan ngại an ninh gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Đức Welt am Sonntag, Chủ tịch EC Juncker cho biết, lực lượng này sẽ giúp ngăn chặn những mối đe dọa bên ngoài lãnh thổ của khối, cũng như bảo vệ các "giá trị" châu Âu. Ông cũng khẳng định quân đội của EU không phải được xây dựng để sử dụng ngay lập tức mà để thể hiện quan điểm cứng rắn của EU trong việc bảo vệ các giá trị của liên minh. Bên cạnh đó, theo ông Juncker, một lực lượng chung của các nước EU sẽ giúp việc chi tiêu ngân sách cho các thiết bị quân sự hiệu quả hơn và tăng cường sự thống nhất giữa 28 nước thành viên của khối.


Hôm 8/3 tại Kuala Lumpur, Malaysia, gần 600 nhân viên Malaysia Airlines cùng thân nhân các thành viên phi hành đoàn Boeing-777 đã tổ chức buổi tưởng niệm chiếc phi cơ mất tích một năm trước. Ban lãnh đạo của hãng cũng bày tỏ lời cảm ơn tới tất cả các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ cuộc tìm kiếm trong một năm qua. Chiếc phi cơ thực hiện chuyến bay từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh đã biến mất khỏi màn hình radar khoảng hai giờ sau khi khởi hành vào đêm ngày 7/3 2014. Trên máy bay có 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, cơ quan chức năng đã chính thức tuyên bố họ thiệt mạng.


Lực lượng vũ trang Ukraine ngày 8/3, đã hoàn thành giai đoạn thứ tư rút các vũ khí hạng nặng khỏi tuyến giáp ranh ở Donbass. Ông Anatoly Stelmakh, phát ngôn viên Bộ tham mưu các hoạt động quân sự Ukraine cho biết: “Quân đội Ukraine đã hoàn thành giai đoạn thứ tư rút lui pháo hạng nặng từ các tuyến giao tranh. Đặc biệt, chúng tôi đã rút các hệ thống tên lửa phóng loạt Uragan. Trước đó, chúng tôi đã rút các pháo chống tăng MT-12 Rapida, pháo tự hành Akatsia và hệ thống tên lửa phóng loạt BM-21 Grad”. Cùng ngày, đại diện Bộ Quốc phòng “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk tự xưng Eduard Basurin cũng thông báo lực lượng dân quân đã hoàn thành việc rút các vũ khí hạng nặng và tự nguyện bắt đầu sơ tán 24 súng cối hạng nặng khỏi tuyến giao tranh, theo RIA Novosti.


Ngày 8/3, Triều Tiên đã bác bỏ những cáo buộc nói rằng nước này có khả năng đứng đằng sau vụ tấn công bằng dao nhằm vào Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert, đồng thời gọi những cáo buộc này là chiến dịch bôi nhọ "ác ý" của Seoul. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Ủy ban tái Thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK) nêu rõ: "Ngay cả cảnh sát và giới truyền thông bảo thủ của Hàn Quốc cũng bắt tay với chính quyền (Seoul) để âm mưu liên hệ vụ này với (Triều Tiên). Các bước đi này xuất phát từ ý đồ ác độc là tự cứu lấy bản thân họ khỏi tình huống khó xử hiện tại... và tăng cường chiến dịch bôi nhọ chống CHDCND Triều Tiên trên toàn cầu". Đối tượng Kim Ki-Jong, người khiến Đại sứ Lippert phải khâu 80 mũi trên mặt, từng thăm Triều Tiên 7 lần kể từ năm 1999 và có lần tìm cách đặt tượng kỷ niệm cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng In tại Seoul sau khi ông này qua đời vào năm 2011.


Nhà chức trách Australia ngày 8/3, tuyên bố đã ngăn chặn và bắt giữ 2 anh em ở độ tuổi thanh thiếu niên bị tình nghi đang chuẩn bị tới Trung Đông để tham gia lực lượng khủng bố. Bộ trưởng Di trú Australia Peter Dutton cho biết, 2 đối tượng trên, 16 tuổi và 17 tuổi, bị bắt giữ tại Sân bay Sydney hôm 6/3. Hai đối tượng này đã nghe thông tin qua một số phương tiện rồi đưa ra một quyết định cực đoan (tham gia lực lượng khủng bố) mà chính cha mẹ của họ cũng không hề hay biết về kế hoạch này. Trong một tuyên bố, Cảnh sát liên bang Australia cho biết, 2 đối tượng này “bị bắt giữ do bị tình nghi cố gắng chuẩn bị tới các nước khác để tham gia các hoạt động thù địch”.


Ngày 8/3, ông Cherdchai, một lãnh đạo của phe Áo Đỏ tuyên bố tổ chức này không liên quan gì đến vụ đánh bom tối 7/3 trước tòa án hình sự Bangkok. Vụ đánh bom xảy ra trong khi các cơ quan tư pháp Thái Lan đang khẩn trương tiến hành xử hàng loạt các vụ án gây sự chú ý của dư luận xã hội. Đây là vụ đánh bom mới nhất sau khi xảy ra vụ đánh bom hôm 1/2 trước đại siêu thị Siam Paragon ngay trung tâm Bangkok nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy thủ phạm. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 8/3, người phát ngôn của chính quyền Thái Lan Winthai Suvaree cho biết, 2 nghi phạm của vụ đánh bom tối 7/3 sẽ bị giam giữ 7 ngày và các nhà điều tra đang khẩn trương lấy lời khai nhằm truy tìm kẻ chủ mưu thực sự.


Thể theo yêu cầu của cơ quan công tố Brazil, Tòa án Tối cao Liên bang nước này đã đồng ý mở cuộc điều tra nhằm vào các chính trị gia bị nghi hưởng lợi từ vụ án tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Công tố viên trưởng Rodrigo Janot đã yêu cầu tòa án cho phép mở các cuộc điều tra liên quan đến 40 tội danh khác nhau như gian lận, đưa và nhận hối lộ, rửa tiền nhằm vào 54 cá nhân, bao gồm 21 hạ nghị sĩ và 12 thượng nghị sĩ liên bang. Hầu hết các nhân vật này thuộc liên minh cầm quyền do đảng Lao động của đương kim nữ Tổng thống Dilma Rousseff. Những nghị sỹ đáng chú ý nhất trong số này có hai Chủ tịch hạ và thượng viện, Renan Calheiros và Eduardo Cunha. Đây là hai thành viên của Phong trào Dân chủ rất có thế lực trong quốc hội Brazil.


Quân đội Iraq ngày 8/3 đã tiến vào al-Dour, thị trấn chiến lược ở phía Nam thành phố Tikrit, một trong những thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hadi al-Amiri, thủ lĩnh của lực lượng dân quân dòng Shiite tham gia chiến dịch cùng quân đội Iraq, cho biết al-Dour đã được giải phóng và quân chính phủ đang tiến đánh al-Alam, một thị trấn quan trọng khác. Đây là chiến dịch phản công IS mạnh nhất của quân đội Iraq kể từ khi IS chiếm đóng miền Bắc Iraq vào năm ngoái. Trước đó, quân đội Iraq cũng đã đánh bật các tay súng của IS ra khỏi thị trấn miền Tây al-Baghdadi thuộc tỉnh Anbar, cách một căn cứ không quân có binh lính Mỹ đồn trú khoảng 8km. Ngày 13/2, IS đã chiếm thị trấn al-Baghdadi, gây đe dọa đối với căn cứ không quân Ain al-Asad, nơi lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đang huấn luyện quân đội Iraq, theo Reuters.


Lần đầu tiên một loại vaccine phòng Ebola được thử nghiệm trên phạm vi rộng ở Guinea, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh này tại Tây Phi. Cuộc thử nghiệm do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện ngày 8/3. Cuộc thử nghiệm này nhằm mục đích bảo đảm rằng, vaccine có thể chống lại sự xâm nhập của virus Ebola. Theo đó, các bác sĩ tìm những người có khả năng đã bị phơi nhiễm và tiêm chủng nếu họ đồng ý. Đây là phương pháp đã từng được sử dụng để loại bỏ bệnh đậu mùa trong những năm 1970. Dự kiến, sẽ có khoảng 10.000 người tham gia chiến dịch thử nghiệm vaccine lần này. Được biết, loại vaccine thử nghiệm lần này tại Guinea là loại VSV-EBOV. Đây cũng là loại vaccine thử nghiệm trước đó ở Liberia. Cho đến nay, dịch bệnh Ebola đã làm gần 10.000 người thiệt mạng tại 3 quốc gia Tây Phi là: Liberia, Guinea và Sierra Leone, theo Vietnamplus.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.