Theo tờ Kommersant của Nga ngày 2/3, mặc dù vụ giết người xảy ra vào đêm 27/2 trên cầu Moskvoretsky Bolshoi lọt trúng vào ống kính của một máy quay, song băng ghi hình lại có chất lượng thấp và cảnh quay được thực hiện từ khoảng cách khá xa. Băng ghi lại vụ việc đã được chiếu trên kênh truyền hình trung ương Nga vào một ngày sau vụ ám sát. Hôm 28/2, các nhà điều tra Liên bang cho biết vụ sát hại thủ lĩnh phe đối lập Boris Nemtsov đã được lên kế hoạch kỹ càng, viện dẫn thông tin về loại vũ khí được sử dụng để ám sát và việc các thủ phạm biết được kế hoạch đi lại của ông Nemtsov.
Cảnh sát Liên bang Nga ngày 2/3 đã có thể tái hiện lịch trình của ông Boris Nemtsov, trong đó có cả những chi tiết từ cửa hàng bách hóa GUM tới cầu Moskvoretsky Bolshoi lẫn các chi tiết về những ngày cuối cùng của ông. Theo đó, vào khoảng 10h30 sáng 27/2, ông Nemtsov gặp bạn gái Anna Duritskaya tại sân bay Sheremetyevo. Sau đó, họ đi tới căn hộ của Nemtsov ở trung tâm thành phố trên chiếc Range-Rover của ông. Đôi tình nhân chỉ rời căn nhà sau 20 giờ cùng ngày, Nemtsov đi đến cuộc phỏng vấn, còn Duritskaya đi bộ tới hiệu spa trên phố Pyatnitskaya. Sau khi kết thúc công việc, đôi tình nhân lại gặp nhau ở GUM, tại quán cafe Bosco. Sau khi ăn tối, Boris và Anna bỏ lại xe cùng tài xế, và bất chấp mưa phùn, quyết định đi bộ tới căn hộ ở phố Malaya Ordynka. Chính ở hành trình này, kẻ giết người đã chạy lại gần Nemtsov và Duritskaya và bắn 6 phát vào lưng ông. 4 viên đạn trúng đích và Nemtsov qua đời vài phút sau đó.
Việc phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Moscow đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga, tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin thay đổi quan điểm cứng rắn. Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở Geneva, Thụy sĩ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: “Lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến Nga. Nhiều thời điểm, đồng rúp của Nga đã mất giá đến 50%, thâm hụt nguồn vốn lên tới 51 tỷ USD. Theo dự báo, nền kinh tế Nga sẽ đi vào suy thoái trong năm nay. Hiệu quả của biện pháp trừng phạt lên nước Nga là rất đáng kể, tuy nhiên, nó không đủ để đảm bảo rằng Tổng thống Putin từ bỏ chiến lược của mình”. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh, nếu thỏa thuận Minsk phát huy hiệu quả, có thể một lệnh trừng phạt mới chống lại Moscow có thể được đưa ra. (Xem chi tiết)
Ngày 2/3 tại Brussels (Bỉ) đã diễn ra cuộc họp giữa các bộ trưởng năng lượng Nga và Ukraine trong bối cảnh Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine do Kiev không thanh toán tiền mua khí đốt. Người phát ngôn về năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Anna-Kaisa Itkonen cùng ngày cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ làm trung gian cuộc đàm phán Nga - Ukraine nhằm đảm bảo việc cung cấp khí đốt vẫn được duy trì bất chấp bất đồng giữa 2 nước. Hiện Kiev và Moscow đang bị cuốn vào các cuộc chiến về giá khí đốt, và ngày càng có nhiều quan ngại rằng bất kỳ đợt ngừng cung cấp khí đốt mới nào cho Ukraine sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn cung khí đốt cho EU.
Lính tình nguyện Ukraine, những người hứa sẽ không giúp chính quyền Kiev, đã được lực lượng dân quân ly khai Lugansk thả về nhà. Những lính tình nguyện này bị quân ly khai Ukraine bắt giữ cách đây 2 tháng. Ban đầu Lugansk muốn dùng những người này để đổi lại binh lính quân đội Lugansk nhưng cuối cùng lại giải phóng họ vô điều kiện. Quân tình nguyện được đưa tới Kharkov bằng xe buýt. Họ thừa nhận rằng mình muốn nhanh chóng nhìn thấy những người thân yêu.
Cơ quan Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 2/3 công bố số liệu cập nhật mới nhất cho biết, gần 1 năm giao tranh ở Ukraine đã có hơn 6.000 người thiệt mạng. Báo cáo đưa ra trong bối cảnh các cuộc xung đột ở khu vực miền Đông Ukraine giảm nhiệt, làm dấy lên hi vọng các bên sẽ thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn mong manh được ký kết hồi giữa tháng 2 vừa qua. Trong một tuyên bố, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách nhân quyền của Liên Hợp Quốc Ivan Simonovic cho biết, sự leo thang chiến tranh ác liệt nhất diễn ra trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2, dẫn đến sự vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Trong cuộc chiến khốc liệt đó, người dân miền Đông Ukraine đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề nhất, theo Reuters.
Ngày 2/3, nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã giết hại hơn 30 nhân viên an ninh tại tỉnh Anbar, miền Tây Iraq. Theo nguồn tin an ninh địa phương, 32 người đàn ông trẻ tuổi đã bị bắn chết vào sáng ngày 2/3 tại khu vực Jubba, gần thị trấn al-Baghdadi, cách thủ đô Baghdad của Iraq khoảng 200km về phía Tây Bắc. Những người bị giết hại được cho là cảnh sát địa phương và thành viên của nhóm bán quân sự Sahwa được chính phủ hậu thuẫn. Họ bị bắt trong cuộc chiến với phiến quân IS tại Jubba. Tháng trước, IS cũng đã giết hại hàng chục người sau khi tiến hành các cuộc tấn công lớn vào al-Baghdadi và căn cứ không quân gần đó Ain al-Asad, nơi hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ đóng quân.
Quốc vương Jordan Abdullah đã gọi cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là cuộc "Chiến tranh thế giới thứ 3", đồng thời hối thúc tất cả các quốc gia hợp tác với nhau để đối phó với mối đe dọa do IS gây ra kể từ khi tổ chức này chiếm nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria hồi năm ngoái. Phát biểu với kênh truyền hình CNN của Mỹ ngày 2/3, Quốc vương Abdullah nói: "Đây là cuộc chiến của chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm lương tâm trong việc chìa tay ra với những người Hồi giáo để bảo vệ họ đồng thời ngăn chặn các tay súng IS trước khi chúng đến biên giới của chúng ta", theo Vietnamplus.
Ngày 2/3, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano bày tỏ quan ngại "sâu sắc" về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, vốn không được đặt dưới sự giám sát của cơ quan này kể từ năm 2009. Phát biểu trước Ban Giám đốc IAEA tại Vienna (Áo), ông Amano nhấn mạnh "đã gần 6 năm kể từ khi các thanh sát viên của IAEA bị yêu cầu rời khỏi Triều Tiên," đồng thời "kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Triều Tiên đã bắn hai tên lửa tầm ngắn được cho là tên lửa đạn đạo Scud xuống vùng biển phía Đông nước này vào sáng 2/3 và tuyên bố sẽ đáp trả lại các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ gần đây.
Dù chưa chính thức công bố nhưng cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bật tín hiệu cho thấy bà sẽ ra tranh cử tổng thống năm 2016, tám năm sau lần thất bại trước. Trang Wall Street Journal đưa tin bà Hillary Clinton và các cố vấn đã tuyên bố với các nhà tài trợ Dân chủ rằng bà quyết định sẽ tham gia tranh cử sớm hơn dự kiến, có thể vào tháng sau. Bà Clinton, 67 tuổi, đang làm việc với các chuyên gia chính sách để soạn thảo thông điệp và nền tảng cho chiến dịch, đồng thời cố vấn thân cận của bà là Huma Abedin đã bắt đầu gặp gỡ những người ủng hộ. Việc ra tranh cử sớm được đánh giá sẽ giúp trấn an Đảng Dân chủ và cho phép bà gây được nhiều quỹ hơn.
Tổng thống mãn nhiệm của Uruguay Mujica, cựu quân du kích, nổi tiếng với phong cách sống đơn giản, ông Jose Pepe Mujica, 79 tuổi, đã kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống hôm 2/3, để lại “di sản” lớn nhất là sự yêu mến của người dân Uruguay,Hiện ông cùng vợ sống trong căn nhà tuềnh toàng ở một nông trang và dành phần lớn lương của mình làm từ thiện. Một số người gọi ông Mujica là "Tổng thống nghèo nhất thế giới". Số khác cho rằng ông là "Tổng thống mà bất cứ đất nước nào cũng muốn có". Với 65% phiếu ủng hộ, ông Mujica bàn giao quyền lực cho người kế nhiệm sau năm năm trên cương vị Tổng thống. Theo hiến pháp nước này, ông Mujica không được phép tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo.