THẾ GIỚI 24H: 14 phi công hy sinh ngày Triều Tiên phóng vệ tinh Kwangmyongsong-2

Vệ tinh Kwangmyongsong-2 của Triều Tiên trước khi rời bệ phóng tên lửa
Vệ tinh Kwangmyongsong-2 của Triều Tiên trước khi rời bệ phóng tên lửa
TPO - Chuyến thăm tới Đơn vị quân đội 447 thuộc Lực lượng Phòng không Không quân CHDCND Triều Tiên hôm 2/3 vừa qua, đã vô tình tiết lộ góc khuất sau vụ phóng vệ tinh Kwangmyongsong-2 gây tiếng vang của Triều Tiên ngày 5/4/2009.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 3/3 cho biết, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên hôm thứ Hai (2/3) đã đến thăm Đơn vị quân đội số 447 thuộc Lực lượng Phòng không - Không quân của Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Tại đây, ông Kim Jong-un tới thăm tượng đài vinh danh 14 phi công quân sự, những người đã hy sinh vào ngày 5/4/2009 “nhằm đảm việc phóng thành công vệ tinh thông tin liên lạc Kwangmyongsong-2”. Hãng Thông tấn KCNA cho biết, nhưng không đề cập cụ thể 14 phi công trên đã hy sinh như thế nào, mà chỉ thông tin thêm rằng, ông Kim Jong-un đã ca ngợi Đơn vị quân đội 447 là “niềm kiêu hãnh dâng cao” của CHDCND Triều Tiên, theo Tass.


Người đứng đầu Ủy ban Ngoại giao Quốc hội Nga Alexei Pushkov ngày 3/3 dự báo về 3 kịch bản “cách mạng cam” nguy cơ xảy ra ở nước này. “Kịch bản thứ nhất là phiên bản Maidan cho Nga với phương án quảng trường Bolotnyi. Các thành viên tham gia được hứa hẹn hỗ trợ về thông tin và biện pháp chính trị”, ông Pushkov nhận định. Theo chính trị gia Nga, Mỹ đang nỗ lực thực hiện kịch bản thứ hai. Nó bao gồm việc duy trì các mối liên lạc với “phe đối lập cực đoan thân Mỹ gồm những nhân vật như Mikhail Khodorkovsky, Garry Kasparov, Mikhail Kasyanov”. “Kịch bản thứ ba - đó là gây bất ổn về kinh tế ở Nga nhằm tạo ra những cuộc biểu tình phản đối, làm lung lay uy tín và tầm ảnh hưởng của ông Putin. Đúng là tồn tại những kịch bản như vậy. Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu chúng có khả thi hay không?” - người đứng đầu Ủy ban của Duma Nga đặt câu hỏi.


Ngày 3/3, lễ viếng cựu Phó Thủ tướng, thủ lĩnh phe đối lập Nga, ông Boris Nemtsov, người bị sát hại đêm ngày 27/2, đã diễn ra tại trung tâm Sakharov ở thủ đô Moscow, Liên bang Nga. Thủ tướng Sergey Prikhodko, Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich và một số quan chức chính phủ đại diện Chính phủ Nga đã tới viếng ông Nemtsov . Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev gửi vòng hoa viếng. Đáng chú ý, đến viếng ông Nemtsov còn cựu Thủ tướng Anh John Major, một số đại sứ nước ngoài, đại diện doanh nghiệp, đoàn đại biểu chính quyền và các đảng của tỉnh Yaroslav nơi ông Nemtsov là đại biểu nhân dân. Ông Nemtsov đã được an táng cùng ngày tại nghĩa trang ở Moscow. (Xem chi tiết)


Cơ quan điều tra hỗn hợp chuyên trách vụ sát hại cựu Phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov ngày 3/3 đã công bố bằng chứng cho thấy có nhiều dấu hiệu của tình báo nước ngoài tham gia vào vụ sát hại chính khách này với mục đích gây bất ổn chính trị tại Nga. Theo Izvestia, cơ quan điều tra đã nắm được nhiều bằng chứng về khả năng tình báo Ukraine có liên quan tới vụ việc. Theo nguồn tin này, đại diện tình báo Ukraine (SBU) đã đặt hàng sát thủ người Chesnya thuộc tiểu đoàn tình nguyện Dudayev, những kẻ đang tham chiến cùng lực lượng chính phủ Kiev tại miền Đông, sát hại chính trị gia B. Nemtsvo. Tổ chức sát thủ Chesnya này trước đây từng lên kế hoạch ám sát Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sát thủ Chesnya nhận “đơn hàng” sát hại ông B. Nemtsov để trả thù cho thủ lĩnh Isa Munayev bị bắn chết trong một cuộc đọ súng tại Donbass.


Ngày 3/3, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin đã kêu gọi quốc tế hỗ trợ quân sự trong bối cảnh tiếp tục xảy ra giao tranh giữa quân Chính phủ Ukraine với quân ly khai ở khu vực miền Đông nước này, bất chấp lệnh ngừng bắn mới được hai bên ký kết. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), ông Klimklin nói: "Chúng tôi đang được một số quốc gia hỗ trợ huấn luyện quân đội. Điều này thực sự rất cần thiết để đối phó các cuộc tấn công của lực lượng khủng bố ở Donetsk và Lugansk đang được phía Nga hậu thuẫn".


Ukraine ngày 3/3 cho biết lãnh đạo nước này cùng Pháp, Đức và Nga đã nhất trí triển khai các giám sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tới 10 điểm nóng tại giới tuyến miền Đông nước này nhằm củng cố lệnh ngừng bắn mong manh. Theo một thông báo về cuộc điện đàm bốn bên do Văn phòng tổng thống Ukraine công bố, Tổng thống nước này Petro Poroshenko cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Nga Vladimir Putin "đã ủng hộ đề nghị của Ukraine về việc đưa các giám sát viên tới tất cả các khu vực vi phạm lệnh ngừng bắn". Hoạt động giám sát này trước tiên sẽ được thực hiện tại 10 điểm nóng trên giới tuyến là Shchastya, Popasna, Stanitsa Luganska, Krymske, Avdiivka, Volnovakha, Granitne, Luganske, Shyrokine và sân bay Donetsk.


Lực lượng an ninh Afghanistan ngày 3/3 đã mở các cuộc tấn công lớn tại huyện Khak-e- Afghan, miền Nam nước này nhằm giải cứu 30 người bị bắt cóc trước đó 9 ngày. Trước đó, một nhóm vũ trang giấu mặt đã bắt cóc 30 người đàn ông thuộc tộc người Hazara khi những người này đang đi xe buýt qua tỉnh Zabul và đưa họ đến một địa điểm chưa xác định. Sau khi xác định được nơi giam giữ các con tin, lực lượng an ninh Afghanistan đã mở chiến dịch giải cứu với sự tham gia của các đơn vị quân đội quốc gia, cảnh sát... Giới chức địa phương cho biết, đến nay, 32 phiến quân liên quan đến vụ bắt cóc đã bị tiêu diệt.


Với sự trợ giúp của dân quân tự vệ, quân đội Nigeria ngày 3/3 tuyên bố đã tiêu diệt hơn 73 phiến quân Boko Haram khi đập tan một âm mưu tấn công bất thành của nhóm phiến quân Hồi giáo này hòng chiếm thị trấn chiến lược Konduga ở bang Đông Bắc Borno. Sáng cùng ngày, khoảng 150 tay súng Boko Haram đã tiến vào thị trấn Konduga và nã súng vào binh lính đồn trú tại đây, dẫn đến cuộc đọ súng kéo dài trong 6 giờ đồng hồ. Boko Haram trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Nigeria từ năm 2009 khi lực lượng này tiến hành các hoạt động nổi dậy nhằm thành lập nhà nước Hồi giáo ở miền Bắc quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Boko Haram hiện chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn gồm hàng chục thị trấn ở ba bang miền Đông Bắc. Bạo lực liên quan tới Boko Haram đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, theo Vietnamplus.


Cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ, Edward Snowden đã sẵn sàng trở về Mỹ nếu có một phiên tòa xét xử công bằng. Thông tin này được ông Anatoly Kucherena, luật sư của Snowden nói với các phóng viên hôm 3/3. “Edward Snowden đã sẵn sàng để quay trở lại Mỹ, nhưng với điều kiện là anh chắc chắn sẽ được xét xử công bằng và vô tư”, ông Kucherena cho biết, đồng thời khẳng định, một nhóm luật sư từ nhiều nước, đang tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến việc quay trở lại Mỹ của Snowden. Vị luật sư này cũng cho biết ông đã nhận được bức thư của Tổng chưởng lý Mỹ, khẳng định Snowden sẽ không bị tử hình. Một số quốc gia khác cũng hứa sẽ bảo vệ Snowden, nhưng vị luật sư tỏ ra nghi ngờ về việc này, theo Sputnik.


Một vệ tinh quân sự của Mỹ ngày 3/3 đã phát nổ trong vũ trụ sau khi nhiệt độ tăng lên đột ngột và không thể kiểm soát, và đã tạo ra nhiều mảnh vỡ bay tứ tán quanh Trái đất. Vụ nổ đã phóng đi ít nhất 43 mảnh vỡ vào quỹ đạo quanh Trái đất và hiện đang được không quân Mỹ theo dõi. “Những động thái ban đầu đã được tiến hành sau vụ nổ. Các nhân viên của Trung tâm phối hợp các nhiệm vụ vũ trụ Mỹ (JSpOC) sẽ tiếp tục đánh giá vụ việc để tìm hiểu thêm những gì vừa xảy ra”, trang tin SpaceNews.com dẫn lời đại tá John Giles, Giám đốc JSpOC. Vệ tinh phát nổ nằm trong Chương trình vệ tinh khí tượng quốc phòng (DMSP) của Mỹ. Quân đội Mỹ bắt đầu phát triển chương trình này vào những năm 1960 để hỗ trợ các nhiệm vụ trinh sát và giám sát.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.