THẾ GIỚI 24H: Mỹ tiếp tục đưa xe tăng tới Baltic

Tăng Abrams của Mỹ hiện diện tại cảng Riga (Latvia)
Tăng Abrams của Mỹ hiện diện tại cảng Riga (Latvia)
TPO - Ba quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở vùng Baltic đã nhận được lô hàng quân sự từ Mỹ, được xem là một phần của các hoạt động vũ trang đang diễn ra ở Đại Tây Dương nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trong khu vực trước “cuộc xâm lăng tưởng tượng của Nga”.

Ngày 9/3, Thiếu tướng Mỹ John R. O'Connor, phụ trách giám sát hoạt động chuyển giao các khí tài quân sự trên tại cảng Riga (Latvia), xác nhận các thiết bị quân sự gồm có xe tăng Abrams, xe chiến đấu Bradley, Scout Humvees cũng như các trang thiết bị hỗ trợ khác. Ngoài Latvia, một số thiết bị quân sự trên sẽ được chuyển đến hai quốc gia láng giềng Estonia và Lithuania nhằm “đảm bảo sự an toàn của ba quốc gia Baltic và chứng tỏ tình đoàn kết của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Raimonds Vejonis nói, đồng thời khẳng định vũ khí sẽ ở lại "chừng nào còn cần thiết nhằm ngăn chặn sự gây hấn của Nga". Ba quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva đã gia nhập NATO kể từ năm 2004, song hiện có rất ít các loại khí tài quân sự hạng nặng. Hồi cuối tháng 1 vừa qua, NATO tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Bulgaria, Ba Lan, Romania và các quốc gia Baltic, bắt đầu từ các cuộc diễn tập và tập trận luân phiên tại các quốc gia này, theo Sputnik.


Ban Thư ký Nhà nước phụ trách các các vấn đề kinh tế Thụy Sĩ (SECO) đã xác nhận cho phép lô hàng xuất khẩu kỷ lục trị giá 91,4 triệu USD sang Nga. Lô hàng lưới ngụy trang công nghệ cao sử dụng trong ứng dụng quân sự nhằm tránh bị tia hồng ngoại và radar phát hiện đã được bật đèn xanh bất chấp lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu các thiết bị quân sự cho Nga và Ukraine. SECO giải thích việc cho phép xuất khẩu các lô hàng theo Điều 14 của Pháp lệnh xử phạt, trong đó quy định "không áp dụng cho các giao dịch hợp đồng đã thỏa thuận trước ngày 27/8/2014”.


Các quốc gia phương Tây đang lợi dụng vụ sát hại thủ lĩnh đối lập chính trị Nga, ông Boris Nemtsov để gây áp lực lên chính quyền Moscow. Theo đại diện Bộ Ngoại giao Nga về vấn đề nhân quyền, dân chủ và pháp quyền, ông Konstantin Dolgov: “Tổng thống Nga đã phản ứng với thảm kịch trên một cách rất rõ ràng, trong đó có việc tăng cường và mở rộng điều tra nhằm sớm đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý. Đây là công việc nội bộ của nước Nga, tuy nhiên, các nước phương Tây đang cố gắng lợi dụng sự việc trên để đẩy lên thành vấn đề quốc tế, qua đó gây sức ép đối với Nga”, theo Kommersant.


Lực lượng phòng không Ukraine trong vài ngày qua đã ghi nhận được 9 máy bay không người lái (UAV) của lực lượng ly khai. Thông tin này được đăng tải trên trang Facebook của quân đội Ukraine. Ngoài ra, Kiev còn tố cáo ly khai thực hiện các hành động khiêu khích với lực lượng chính phủ Ukraine ở khu vực Donbass và tăng cường sử dụng UAV. “Suốt đêm, từ 20h00 ngày 8/3 đến 6h00 ngày 9/3, lực lượng ly khai đã 16 lầnkhai hỏa vào vị trí của chúng tôi, hầu hết bằng súng cối và súng phóng lựu”, thông báo trên cho biết.


Thái Lan đang tăng cường an ninh cao độ trên toàn quốc sau khi khám phá một âm mưu đánh bom trên quy mô toàn quốc. Sau khi bắt được 2 nghi can trong vụ ném lựu đạn vào trước Tòa án Hình sự tối 7/3, qua thẩm vấn, cơ quan an ninh Thái Lan cho biết phát hiện ra một âm mưu đánh bom nhằm vào khoảng 100 địa điểm trên toàn quốc. Theo lời khai của nghi can Mahahin Khunthong, đối tượng được thuê tham gia vụ ném lựu đạn với giá 20.000 bath và sẽ tiếp tục thực hiện vụ một loạt vụ đánh bom khác dự kiến sẽ tiến hành vào ngày 15/3 tới. 


Quân đội Libya ngày 9/3 cho biết lực lượng phiến quân thuộc chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở nước này đã chặt đầu 8 nhân viên bảo vệ sau vụ đột kích vào một mỏ dầu hồi tuần trước, đồng thời bắt đi 9 người nước ngoài. Người phát ngôn của quân đội Libya Ahmed al-Mesmari cho biết một nhân viên của mỏ dầu al-Ghani đã chứng kiến vụ thảm sát này và qua đời ngay sau đó do bị lên cơn đau tim. Nhà chức trách Philippines và Áo đã xác nhận rằng 9 công dân của hai nước đã bị bắt cóc trong vụ tấn công của IS vào mỏ dầu al-Ghani hôm 6/3 vừa qua, một phần trong những vụ tấn công của nhóm phiến quân này nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Libya.


Ngày 9/3, Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi kêu gọi thành lập một lực lượng Arập thống nhất để đối phó với sự bành trướng của các nhóm cực đoan Hồi giáo. Phát biểu trong một cuộc họp giữa các ngoại trưởng AL tại thủ đô Cairo (Ai Cập), ông Arabi nói: "Việc thiết lập một lực lượng quân sự Arập chung là cấp thiết... để có thể nhanh chóng can thiệp nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và hoạt động của các nhóm khủng bố". Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của việc "hợp tác trong các lĩnh vực liên quan tới bảo đảm an ninh và trao đổi thông tin giữa các quốc gia Arập".


Tướng Martin Dempsey ngày 9/3 lên tiếng bảo vệ tiến độ chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời cảnh báo tăng cường oanh tạc hoặc điều động thêm binh sĩ Mỹ sẽ là sai lầm. "Chúng ta có trách nhiệm sử dụng không lực một cách rất chính xác. Điều đó có nghĩa là sẽ mất thời gian" để thu thập thông tin tình báo chính xác về các mục tiêu có thể, AFP dẫn lời Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói trong chuyến thăm tàu sân bay Pháp Charles De Gaulle đang ở Vùng Vịnh để tham gia chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo (IS). "Ném bom trải thảm ở Iraq không phải là câu trả lời". Tướng Dempsey kêu gọi "sự kiên nhẫn chiến lược" trong cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria. Theo ông, mở rộng không kích có thể gây thêm thương vong cho dân thường và điều này có lợi cho hoạt động tuyên truyền của IS.


Viện Nghiên cứu Quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI) ngày 9/3 cảnh báo rằng hàng nghìn binh sỹ Anh có thể "thất nghiệp" trong 5 năm của Quốc hội khóa tới cho dù đảng nào lên cầm quyền. Báo cáo của RUSI cho rằng trong bối cảnh Anh tiếp tục các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", ngân sách quốc phòng của London có thể sẽ giảm xuống dưới mức mục tiêu tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề ra. Vì vậy, viện trên cảnh báo khoảng 30.000 nhân viên quốc phòng sẽ mất việc, trong đó lực lượng vũ trang sẽ bị cắt giảm nhiều nhất và tổng quân số các lực lượng vũ trang Anh sẽ chỉ còn 115.000 người vào cuối thập niên này. Theo RUSI, cho dù chi tiêu quốc phòng được cấp ngang mức dành cho y tế và giáo dục thì các lực lượng vũ trang Anh vẫn có thể bị cắt giảm 15.000 người trong 5 năm tới do nước này tiếp tục thực hiện các biện pháp khắc khổ để đạt mục tiêu cân bằng ngân sách, theo Vietnamplus.


Quan chức y tế ở Anh đang kêu gọi việc cấm phát quảng cáo đồ ăn nhanh trên truyền hình vào những khung giờ mà trẻ em có thể xem tivi. Theo một cuộc điều tra được thực hiện trên 2.000 người tại Anh, 2/3 người Anh ủng hộ việc cấm quảng cáo các thức ăn có nhiều chất béo, đường và muối trên truyền hình trước 12 giờ. 90% cha mẹ nói rằng, họ muốn con cái mình được dạy về nấu ăn và dinh dưỡng tại trường. 82% ủng hộ việc giáo dục xã hội và y tế bắt buộc trong các trường tiểu học và trung học. Cũng theo một nghiên cứu của Cục Nghiên cứu kinh tế Mỹ, kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng, có thể làm giảm 18% số lượng trẻ béo phì trong độ tuổi từ 3-11 và giảm 14% đối với trẻ từ 12 -18 tuổi nếu cấm hoàn toàn những quảng cáo đồ ăn nhanh xuất hiện trên truyền hình.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.