THẾ GIỚI 24H: Bầu ông Poroshenko là sai lầm của người Ukraine?

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko
TPO - Thủ lĩnh Đảng Cấp tiến Ukraine Oleg Lyashko cho rằng việc bầu ông Petro Poroshenko làm Tổng thống Ukraine là sai lầm lớn nhất của người dân Ukraine sau cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền.

Trên trang Facebook ngày 25/5, ông Lyashko viết: "Đúng một năm trước, Petro Poroshenko trở thành tổng thống. Chắc chắn, đó là sai lầm của người dân Ukraine. Sai lầm lớn nhất với phẩm giá của cách mạng. Sai lầm khiến chúng ta phải trả giá quá đắt”. Những nguyên nhân ông Lyashko nêu ra là hàng nghìn người chết ở Donbass, thực tế Kiev mất Donbass, tình trạng tham nhũng hệt như thời trước. Theo chính trị gia này, tiêu chuẩn sống của người dân Ukraine đã trở nên tồi tệ hơn và Poroshenko đã không hoàn thành hầu hết các lời hứa của mình.


Tướng Hans-Lothar Domrese, Tư lệnh các lực lượng hỗn hợp thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đánh giá Tổng thống Nga Vladimir Putin có khả năng tính toán tình huống tốt. Trả lời phỏng vấn với tạp chí Focus, ông Domrese nói: "Người Nga không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật như phương tiện tiến hành chiến tranh. Chúng tôi thì không”. Vị tướng NATO này đồng thời tuyên bố cả cá nhân ông lẫn liên minh quân sự này đều không xem Moscow như một kẻ thù và trong trường hợp xấu nhất, Nga có thể được coi như một mối đe dọa tiềm năng, theo Sputnik.


Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/5 khẳng định Moscow sẽ phát triển hợp tác quân sự và kỹ thuật với nhiều nước chứ không chỉ với các khách hàng truyền thống.

Tổng thống Putin đã yêu cầu phải tính đến các tình huống thay đổi trên thị trường vũ khí thế giới khi xuất khẩu vũ khí của Nga. Tại cuộc họp của Ủy ban về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự, ông Putin lập ra nhiệm vụ không chỉ phát triển với các bạn hàng hiện có mà phải mở rộng địa lý xuất khẩu. Ông nói: "Lợi thế cạnh tranh của chúng ta là việc sử dụng thành công và lâu dài vũ khí của Nga trong tất cả các vùng khí hậu. Kinh nghiệm sử dụng vũ khí Nga đã được các thế hệ chuyên gia quân sự nhiều khu vực trên thế giới trải nghiệm là ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh”.


Ủy ban Bầu cử quốc gia Ba Lan ngày 25/5 công bố kết quả chính thức của cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 hôm 24/5 vừa qua với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 55,34%. Theo đó, ứng viên theo đường lối cánh hữu bảo thủ Andrzej Duda giành chiến thắng với 51,55% số phiếu trong khi đương kim Tổng thống Bronislaw Komorowski chỉ giành được 48,45% số phiếu.

Như vậy, ông Duda, chính trị gia 43 tuổi có kinh nghiệm hoạt động trong chính phủ sẽ nhậm chức vào tháng 8 tới. Ông chủ trương muốn đánh thuế mới đối với các ngân hàng và siêu thị do nước ngoài sở hữu để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trong nước. Cách tiếp cận này tương tự như của Thủ tướng Viktor Orban. Ông Duda cũng bày tỏ mong muốn các ngân hàng sẽ trở lại quyền kiểm soát của Ba Lan.


Chính trị gia kiêm nhà ngoại giao Iran Seyed Hadi Afgahi ngày 25/5 cho biết, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Afgahi nói: "Ngày nay, việc nhóm IS không phải là một tổ chức tự thân vận động không còn là một bí mật nữa. Nhóm này được hỗ trợ đầy đủ và được Mỹ và NATO kiểm soát. Có rất nhiều bằng chứng nói lên rằng IS nhận được sự hỗ trợ và các chỉ huy IS được Mỹ huấn luyện”.


Theo đài truyền hình WABC, ngày 25/5, một chuyến bay của hãng Air France khởi hành từ Paris đã được các máy bay tiêm kích của Mỹ hộ tống tới Sân bay Quốc tế John F. Kennedy, New York sau khi tiếp nhận một lời đe dọa nặc danh.

Tin trên cho biết chuyến bay 22 từ Sân bay Charles de Gaulle đã được đưa đến 1 khu vực an toàn tại sân bay trên để kiểm tra. Dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ, hãng ABC News cho hay Trung tâm Cảnh sát Hỗn hợp Bang Maryland, phụ trách thu thập thông tin tình báo, đã nhận được một cuộc gọi nặc danh nói rằng có mối đe dọa vũ khí hóa học trên chiếc máy bay, song mối đe dọa này được cho là không đáng tin cậy.


Đã có ít nhất 30 người thiệt mạng trong một vụ tấn công mới nhất của các tay súng Hồi giáo cực đoan nhằm vào một ngôi làng ở bang Benue, Bắc Nigeria.

Cảnh sát địa phương ngày 25/5 cho biết vụ thảm sát diễn ra trước đó một ngày lúc rạng sáng, khi những kẻ tấn công tiến vào ngôi làng và xả súng vào nhà dân. Tuy nhiên, con số thương vong hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Theo cảnh sát, hiện mới chỉ phát hiện 4 thi thể nạn nhân, trong khi người dân làng cho biết số người thiệt mạng lên tới 30 người, chủ yếu là trẻ em, phụ nữ và người già. Nhiều người bị thương đang được điều trị tại cơ sở y tế gần đó.


Hôm 25/5, tròn 1 tháng trôi qua kể từ sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter tại Nepal, khiến ít nhất 8.600 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Nhiều lễ tưởng niệm đang được tổ chức tại Nepal để cầu nguyện cho những nạn nhân của thảm họa kinh hoàng 1 tháng trước. Tháp Buddanat, tòa tháp lớn nhất tại Nepal, là một trong những nơi diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm các nạn nhân thảm họa động đất ngày 25/4. Hơn 150 học sinh đã cùng có mặt tham gia lễ cầu nguyện tại đây.


Hơn 500 người Ấn Độ đã thiệt mạng vì say nắng, khi khu vực phía nam nước này hứng chịu một đợt nóng khủng khiếp. Trong số những người thiệt mạng, có tới 432 người ở hai bang Andhra Pradesh và Telangana. 

Báo The Hindustan Times cho biết, nhiệt độ cao nhất ghi được ở bang Telangana là 48 độ C hôm 24/5. Theo Cơ quan Dự báo khí tượng Ấn Độ, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhiệt độ sẽ giảm xuống. Hơn nữa, các đợt nóng kinh khủng sẽ tiếp diễn tại hai bang miền nam trên. Tại New Delhi, nhiệt độ cao nhất ghi được là 43,5 độ C, thấp hơn một độ so với một ngày trước đó.


Ít nhất 9 người thiệt mạng, trong đó có một người bị chặt đầu, trong vụ bạo loạn tại nhà tù Bahia (Brazil) hôm 25/5. “Sau 18 giờ thương thảo, vụ bạo loạn đã kết thúc” - AFP dẫn lời người phát ngôn chính quyền địa phương cho biết.

Các tù nhân đã sát hại 8 người sau giờ thăm nuôi hôm 24/5. Người thứ 9 thiệt mạng hôm 25/5 do các vết thương quá nặng. Các tù nhân cầm dao bắt giữ những người đi thăm nuôi, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, để làm con tin. Họ yêu cầu được nói chuyện với các quan chức thuộc ủy ban nhân quyền địa phương về điều kiện sống trong tù. Sau nhiều giờ đàm phán, các tù nhân đã đồng ý thả 70 con tin. Theo Giám đốc trại giam Cleriston Leite vụ bạo loạn xảy ra là do tranh chấp giữa các phe phái trong trại giam.

MỚI - NÓNG