Chiều 7/5, cuộc họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tại buổi họp báo, ông Ngô Ngọc Thu - Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện nay Trung Quốc đã huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: Tàu Hộ vệ Tên lửa 534 (Giang Hồ II) và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 753; cùng 33 tàu Hải Cảnh, Hải Giám, Ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá.
Rất nhiều tàu Trung Quốc đã chủ động đâm thẳng vào tàu của lực lượng cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam, gây hỏng hóc và khiến 6 kiểm ngư bị thương.
Theo ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, từ ngày 1/5, Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 và đội tàu hộ tống vào lô 142 và 143, nằm hoàn trong thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý.

Trưa 7/5, tàu hải cảnh Trung Quốc lại tiếp tục đâm tàu 8003 của Việt Nam, đồng thời máy bay Trung Quốc bay trên tàu này để trực tiếp uy hiếp tàu Việt Nam. Các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều ở trong tình trạng sẵn sàng tấn công, khiến tình hình căng thẳng.

Hành động của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng an ninh an toàn hàng hải, ảnh hưởng hoạt động hàng hải bình thường của tàu thuyền các nước, gây mất lòng tin của nhân dân Việt Nam và thế giới.
Ông Ngô Mai Thịnh, đại diện Cục kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, khẳng định, lực lượng kiểm ngư Việt Nam “đã thực hiện đúng chức năng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển, kiềm chế, không để xảy ra xung đột; đang đấu tranh kiên quyết để buộc lực lượng Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam”.
Theo ông Trần Duy Hải, trong những ngày qua, Việt Nam đã sử dụng các đường dây nóng giữa bộ ngoại giao hai nước. “Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, đã thông báo cho các nước ASEAN và các nước liên quan có lợi ích. Các nước đều bày tỏ lo ngại trước hành vi của Trung Quốc. Tôi xin khẳng định, vấn đề chủ quyền rất thiêng liêng, chúng ta sẽ sử dụng tất cả biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích”, ông Hải nói.
“Chính sách nhất quán của Việt Nam là thông qua biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp”, ông Hải khẳng định.
Phóng viên hãng AP: Có người chết trong các vụ va chạm giữa lực lượng các tàu của 2 nước?
Ông Ngô Ngọc Thu: Chưa có ai bị chết, có 6 kiểm ngư viên của Việt Nam bị mảnh kính văng vào, bị thương phần mềm.
Như quý vị đã xem, tàu Trung Quốc đã chủ động đâm vào tàu Việt Nam, gây hỏng hóc nhiều nhưng lực lượng phía Việt Nam vẫn kiên trì kiềm chế. Tuy nhiên, mọi sự kiềm chế vẫn có giới hạn, nếu tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục đâm vào tàu Việt Nam, chúng tôi sẽ buộc phải tự vệ, đâm trở lại.
Phóng viên hãng AFP: Việt Nam đã khống chế ngư dân nào của Trung Quốc tại vùng biển Trung Quốc đưa giàn khoan vào?
Ông Ngô Ngọc Thu: Đến nay, phía Việt Nam chưa khống chế bất cứ người nào tại vùng biển có nhiều tàu Trung Quốc đang xâm phạm trái phép.