Đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020:

Tạo sân chơi bình đẳng cho cán bộ trẻ

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu trong đại hội Đảng cấp cơ sở (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu trong đại hội Đảng cấp cơ sở (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Quá trình chuẩn bị nhân sự ở một số nơi chưa mở rộng dân chủ, còn gò ép, giới thiệu cả những đồng chí hạn chế về năng lực hoặc tín nhiệm thấp; có nơi có biểu hiện cục bộ, khép kín, vận động không bầu cho cán bộ được cấp trên điều động, luân chuyển về cơ sở… Đó là những hạn chế được ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương chỉ ra khi nói về kết quả Đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Giới thiệu cả những cán bộ tín nhiệm thấp

Vừa qua, chúng ta đã hoàn thành việc tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015- 2020.  Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được, nhất là việc thí điểm chủ trương Đại hội bầu trực tiếp Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư?

Tính đến ngày 30/6/2015, đã có trên 56 nghìn đảng bộ, chi bộ cơ sở trong toàn Đảng tiến hành đại hội, đạt tỷ lệ 99,64%. Qua theo dõi nhận thấy, không khí thảo luận tại các đại hội là thẳng thắn, sâu sắc, có tính chiến đấu, thể hiện tinh thần dân chủ, phản ảnh được ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt… được thực hiện dân chủ, khách quan, đảm bảo nguyên tắc, đúng quy trình hướng dẫn của cấp trên. Nhiều nơi tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương Đại hội Đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư tại đại hội với kết quả tốt. Các đồng chí Bí thư cấp ủy đều trúng cử với số phiếu cao.

Qua Đại hội, có những tồn tại, hạn chế gì cần phải khắc phục để bảo đảm lựa chọn được những người xứng đáng, có năng lực, trí tuệ, phẩm chất tham gia vào cấp ủy, thưa ông?

Có nơi có biểu hiện cục bộ, khép kín, vận động không bầu cho cán bộ được cấp trên điều động, luân chuyển về cơ sở. Vì vậy, vẫn còn 2.694 đồng chí cấp ủy viên được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử.

Bên cạnh những ưu điểm, nổi bật như tôi đã nêu ở trên thì vẫn còn những hạn chế như, chưa tạo được không khí tranh luận tại đại hội; việc ứng cử, đề cử còn ít. Nhiều nơi việc đổi mới cấp ủy chưa đạt yêu cầu. Cá biệt, còn một vài nơi, cấp ủy viên và ủy viên Ban Thường vụ vi phạm Điều 13, Quy chế bầu cử trong Đảng.

Về quá trình chuẩn bị nhân sự ở một số nơi chưa mở rộng dân chủ, không nắm chắc tình hình cán bộ, còn gò ép, giới thiệu cả những đồng chí hạn chế về năng lực hoặc tín nhiệm thấp. Có nơi có biểu hiện cục bộ, khép kín, vận động không bầu cho cán bộ được cấp trên điều động, luân chuyển về cơ sở. Vì vậy, vẫn còn 2.694 đồng chí cấp ủy viên được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, trong đó có 199 đồng chí Bí thư, 348 đồng chí Phó Bí thư và nhiều đồng chí giữ các vị trí chủ chốt ở cơ sở.

Để tổ chức thành công đại hội cấp trên và cấp tỉnh, thời gian tới tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cần sớm tổng kết rút kinh nghiệm một cách sâu sắc, chỉ ra những ưu điểm, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế để rút kinh nghiệm, có giải pháp khắc phục bằng được. Ngoài ra, cần tập trung chỉ đạo thật tốt đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, nhất là công tác nhân sự; coi trọng chỉ đạo đại hội điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại hội đại trà.

Tạo sân chơi bình đẳng cho cán bộ trẻ ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó trưởng Ban tổ chức T.Ư. Ảnh: Văn Kiên.

Bình đẳng với cán bộ trẻ

Những năm qua, Đảng luôn có chủ trương, giải pháp để tăng tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia vào cấp ủy. Vậy thực tiễn kết quả Đại hội vừa qua có đạt được điều đó không, thưa ông?

Lần này Trung ương có yêu cầu nếu không chuẩn bị được cán bộ trẻ, cán bộ nữ thì không cho bầu đủ số lượng mà để bầu bổ sung sau. Ví như cấp tỉnh được bầu 51, nhưng do không chuẩn bị đủ cán bộ trẻ thì chỉ được bầu 49 thôi, còn 2 suất kia bổ sung sau. Do đó, đòi hỏi khi chuẩn bị để bầu thì phải chuẩn bị cho chắc ăn, bảo đảm cán bộ trẻ được trúng cử, chứ đưa vào danh sách nhưng lại không trúng thì cũng chỉ bị coi như là “quân xanh”, dễ làm cho anh em cán bộ trẻ nản lòng. Việc này phải mạnh dạn, khi phát hiện đúng và trúng cán bộ trẻ thì phải tạo điều kiện cho anh em vào cuộc, tạo sân chơi bình đẳng cho cán bộ trẻ tham gia để rèn luyện. Theo thống kê, thì tại Đại hội cấp cơ sở vừa qua, tỷ lệ cấp ủy viên từ 35 tuổi trở xuống đạt 18,29% (nhiệm kỳ trước là 15%). 

Việc tăng tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia vào cấp ủy sẽ tạo ra những xung lực gì mới cho đất nước, thưa ông? 

Lâu nay cứ có tư tưởng, lo lắng là không biết anh em trẻ tham gia vào thì có nhập cuộc tốt không. Thực tế cho thấy, nếu mình phát hiện đúng, tạo điều kiện thì họ vào cuộc rất tốt. Họ rất năng động, sáng tạo, nhạy bén, tiếp thu cái mới. Tuy nhiên, muốn có cán bộ trẻ thì đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đảng phải quan tâm, chính quyền phải hỗ trợ… phải rất mạnh dạn, chứ lúc nào cũng sợ anh em chưa được, còn non, chưa chín thì làm sao mà có cán bộ trẻ được.

Điều đáng mừng là thời gian qua, ở nhiều nơi có nhiều đồng chí còn tuổi, còn đủ điều kiện để tái cử tham gia vào cấp ủy, nhưng lại chủ động xin rút để giới thiệu cán bộ trẻ tham gia. Điều này là rất tốt, có như thế thì mới có cán bộ trẻ được. Thực lòng chúng ta cứ nói 40 tuổi tham gia vào cấp tỉnh là trẻ, nhưng ở các nước 40 người ta đã làm Tổng thống, Thủ tướng rồi. Có vào cuộc quyết liệt thì mới có cán bộ trẻ. Có cán bộ trẻ thì mới tạo ra sự chuyển tiếp cho các thế hệ được tốt để hạ thấp tuổi tham gia vào cấp ủy xuống. Có như thế mới tránh được sự hẫng hụt, khi đến Đại hội rồi vẫn thiếu cán bộ như đồng chí Nguyễn Văn Linh từng nói: “Đốt đuốc đi tìm cán bộ”.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG