Tăng giá điện, sẽ chọn thời điểm thích hợp

Sẽ chọn thời điểm tăng giá điện để không tác động tới mặt bằng giá. Ảnh: Như Ý.
Sẽ chọn thời điểm tăng giá điện để không tác động tới mặt bằng giá. Ảnh: Như Ý.
TP - Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết, sẽ tham mưu với Chính phủ thời điểm tăng giá điện trong năm 2015 để giảm tác động tới mặt bằng giá cả và lạm phát.

Thu ngân sách vượt kế hoạch

Chiều 27/12, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội cả nước năm 2014. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2014, ước khoảng 5,98% so với năm 2013 (mục tiêu Chính phủ đề ra là tăng 5,8%).

Điều đó cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế đang phục hồi. Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI, hay lạm phát) tháng 12/2014 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2013 (CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với bình quân năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây).

Đáng chú ý, nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng và đây vẫn là nước nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 43,7 tỷ USD (tăng 18,2% so với năm trước). Nhập siêu cả năm từ Trung Quốc khoảng 28,9 tỷ USD, chủ yếu nhập nguyên phụ liệu, máy móc.

Trong năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp (DN) thành lập mới (giảm 2,7% so với năm trước). Ngược lại, vì khó khăn kinh tế đã có 67.823 DN phải buộc giải thể hoặc dừng hoạt động.

Tính tới ngày 15/12, bội chi ngân sách nhà nước ước khoảng 154,4
nghìn tỷ đồng. Cụ thể, thu ngân sách ước đạt 814,1 nghìn tỷ đồng, vượt thu 4% so với mục tiêu kế hoạch đặt ra (chủ yếu vượt thu từ dầu thô và hoạt động xuất - nhập khẩu). Tổng chi ngân sách ước đạt 968,5 nghìn tỷ đồng (bằng 96,2% so với dự toán năm).

Trong đó, chi đầu tư phát triển 158 nghìn tỷ đồng (bằng 97% so với dự toán); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể ước đạt  690,5 nghìn tỷ đồng (bằng 98,2% dự toán); chi trả nợ và viện trợ 120 nghìn tỷ đồng (đạt kế hoạch đặt ra).

Sẽ tăng giá điện

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng chiến lược do nhà nước quản lý (như giá dịch vụ y tế, học phí, đặc biệt giá điện) tới mặt bằng giá năm 2015, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết: Sẽ tham mưu với Chính phủ thời điểm và mức tăng giá để có phương án thích hợp, không ảnh hưởng tới mặt bằng giá chung. Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có đề xuất tăng giá bán lẻ điện thêm 9,5% so với mức giá hiện hành.

Về ảnh hưởng của giá dầu thế giới giảm tới tăng trưởng của Việt Nam năm 2015, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Nếu giá dầu thô giảm nhiều, việc khai thác không còn hiệu quả sẽ phải cắt giảm sản lượng và chắc chắn ảnh hưởng tới tăng trưởng năm 2015. Tuy vậy, nếu ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 9,5-10% (như năm 2010), sẽ bù được vào mức tăng trưởng thiếu hụt do cắt giảm sản lượng dầu thô.

Theo các chuyên gia thống kê, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng như cải thiện năng lực cạnh tranh của DN thông qua nâng cao năng suất lao động; cải thiện trình độ khoa học công nghệ; tái cơ cấu DN, đặc biệt DN nhà nước; tận dụng cơ hội tới từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ có hiệu lực trong năm 2015…

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,08%; đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) là 6,3% (tăng 0,13% so với năm 2013). “Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng, trong khi thất nghiệp toàn xã hội giảm chứng tỏ lao động mới ra trường khó kiếm được việc hơn”, Tổng cục Thống kê đánh giá.

MỚI - NÓNG