Tái cơ cấu ngân hàng: “Hôn nhân” và “thay máu”

Mạnh tay trong xử lý tái cơ cấu là con đường để hệ thống ngân hàng phát triển. Ảnh: Như Ý
Mạnh tay trong xử lý tái cơ cấu là con đường để hệ thống ngân hàng phát triển. Ảnh: Như Ý
TP - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho hay trong số 9 NHTMCP yếu kém được xác định từ năm 2012, cơ quan này đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu. Thời gian tới, NHNN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại đối với 1 ngân hàng còn lại. Liệu các cuộc “hôn nhân” và “thay máu” của hệ thống ngân hàng 2 năm qua có được “mặn nồng” và thực sự chuyển mình như dự tính, hãy cùng soi xét!

Vạn sự khởi đầu nan


Đã hơn 2 năm trôi qua kể từ sự kiện đầu tiên làm rúng động thị trường tài chính ngân hàng khi bất ngờ 3 tổ chức tín dụng Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Sài Gòn cổ phần hợp nhất làm một; rồi kế đến là câu chuyện sáp nhập SHB với Habubank khiến thiên hạ một phen ầm ĩ vì thương hiệu Habubank - NHTMCP Nhà Hà Nội vốn đã quá quen với nhiều người; Kế nữa là những cuộc “thay máu” tự làm mới mình bằng sự tham gia của những cổ đông mới như TPBank, TrustBank, Navibank. Ngần ấy thời gian nhìn lại cả thảy lần lượt đã có 9 NHTMCP yếu kém được phê duyệt đề án tái cơ cấu và sáp nhập; trong số đó có 8 thành viên đã tiến hành tái cơ cấu (gồm Habubank, SCB, TinNghiaBank, Ficombank, TPBank, TrustBank, Navibank và Western Bank), ngoại trừ GP. Bank.

Nhìn lại cơ thể các ngân hàng trước khi tái cơ cấu có thể chỉ ngắn gọn bằng hai từ “xấu tệ” nói thẳng về cơ bản đều đứng trước “hiệu ứng đôminô” không khéo sẽ vỡ trận cả hệ thống. Như SHB, khởi đầu là vấn đề nợ xấu cùng tình trạng lỗ ăn gần hết vốn của đối tác sáp nhập Habubank; TPBank tự tái cơ cấu với điểm xuất phát lỗ âm đến gần nửa vốn điều lệ (lỗ 1.160 tỷ đồng); Western Bank gần như vỡ trận khi vốn cho vay lớn gấp cả chục lần huy động và tổng tài sản đang có trước thời điểm sáp nhập cùng PVFC thành Pvcombank; SCB cùng TinNghiaBank và Ficombank trước đó rơi vào rủi ro thanh khoản trầm trọng.

Một ông chủ ngân hàng hồi tưởng lại: “Thời điểm khó khăn đó, sự sống của ngân hàng như ngàn cân treo sợi tóc. Có những đợt tôi bạc tóc thức trắng đêm suy tính từng hồi vì đúng như ai đó nói “làm sao ném chuột không để vỡ bình”. Việc “phẫu thuật” một cơ thể phải rất thận trọng bởi nếu không khéo, sẽ dẫn đến mất niềm tin, người dân đổ xô đi rút tiền; và rút dây động rừng đổ vỡ toàn hệ thống”.

Mong chờ kết hậu

Công bố mới nhất ngày 29/9 từ NHNN, đến cuối tháng 6/2014, tổng tài sản của 09 NHTMCP yếu kém tăng 3,17% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,28% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ thị trường tăng 10,18% so với cuối năm 2013. Theo một nguồn tin, cứ 03 tháng một lần, các ngân hàng tái cơ cấu này đều phải “trình diện” NHNN kiểm tra sức khỏe soát xét các chỉ số. Vậy đến bây giờ, sau 2 năm tái cơ cấu, các ngân hàng này đã làm được những gì?

Theo báo cáo tài chính mới đây của SHB, hiện nhà băng này đã tập trung xử lý những tồn tại từ sáp nhập Habubank, ngoài lợi nhuận tốt lên, SHB cũng là trường hợp giảm được khá nhanh tỷ lệ nợ xấu sau khi tham gia tái cơ cấu, từ trên 8% xuống còn khoảng 4%. 

Ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVcomBank chia sẻ: mới chỉ một năm sau hợp nhất, còn rất nhiều việc phải làm, nhưng những nỗ lực tái cơ cấu bước đầu đã được thị trường ủng hộ, thể hiện ở niềm tin của khách hàng tăng lên, khi lượng tiền gửi cá nhân vào ngân hàng đã tăng tới trên 60% với biểu lãi suất ở mức bình quân trên thị trường. “Pvcombank đã đáp ứng tốt và trên chuẩn mực các tỷ lệ an toàn theo quy định, cũng như đảm bảo đúng lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu mà NHNN phê duyệt”- ông Lâm khẳng định.

Ở một thành viên tự tái cơ cấu khác là TPBank, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú thì phấn chấn chỉ sau hai năm tái cơ cấu ngân hàng đã bù gần xong khoản lỗ 1.160 tỷ đồng trước đây, rút ngắn lộ trình nhanh hơn một năm. Tổng tài sản của TPBank hiện tăng gấp 2,5 lần so với trước khi tái cơ cấu, đạt gần 40.000 tỷ đồng; lượng khách hàng tương ứng tăng từ 60.000 lên gần 450.000 khách hàng; nợ xấu từ 5,8% giảm về còn 2,3%...

Còn ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) được NHNN phê duyệt, chấp thuận Đề án tái cấu trúc từ tháng 6/2013 cũng vừa thông tin: Đến nay NCB đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, các chỉ tiêu tài chính của NCB đều thể hiện sự tăng trưởng tốt. Tổng tài sản NCB đến cuối tháng 6/2014 đã tăng 20,6%, tín dụng và huy động lần lượt tăng trưởng 32,5% và 34,1% so với cuối 2013; nợ xấu giảm được từ 6,06% xuống còn 4,8% số lượng khách hàng tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với các NHTMCP hoạt động bình thường, NHNN đã nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 NHTMCP; trong đó, NHNN đã phê duyệt 18 phương án tái cơ cấu, đồng thời yêu cầu NHTMCP còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án. NHNN cũng khẳng định khả năng mất an toàn dẫn tới rủi ro hệ thống từ nhóm thành viên trên đến nay cơ bản đã được loại trừ. Ngoài ra với đề án 254, toàn ngành này còn quyết tâm sốc lại toàn hệ thống thông qua việc tự tái cơ cấu của chính các tổ chức tín dụng.

MỚI - NÓNG