Tái cơ cấu nền kinh tế: Khó khăn còn dài

Các chuyên gia khẳng định, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn kéo dài do khó tiếp cận vốn và kinh doanh khó khăn
Các chuyên gia khẳng định, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn kéo dài do khó tiếp cận vốn và kinh doanh khó khăn
TP - Với chủ đề chính “Tái cơ cấu nền kinh tế kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”, nhiều chuyên gia kinh tế tham dự Diễn đàn kinh tế Mùa thu diễn ra tại Ninh Bình ngày 27/9 cho rằng, kinh tế Việt Nam khó khăn vẫn còn.

Việc tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư công, xử lý nợ xấu tiếp tục kỳ vọng có bước tiến hiệu quả nhưng cần biện pháp thực tế hơn, đừng để gây thất vọng.

Ngân sách và nợ công: Rủi ro lớn nhất

Đề cập thẳng thắn tới mức khá gay gắt trong nhiều vấn đề nổi cộm của nền kinh tế trong bài phát biểu mở đầu cuộc thảo luận về kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, TS Võ Trí Thành, Viện phó Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, nếu mọi việc vẫn tiếp diễn như thời gian qua, sẽ không có bước chuyển biến trong tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu cũng như cải tổ khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Theo ông Thành, hai rủi ro lớn nhất mà kinh tế Việt Nam có thể đối mặt là vấn đề ngân sách và nợ công. Hiện nợ công tính đầy đủ sẽ cao hơn số 5,5% GDP như công bố. Con số nợ công cao là đáng quan ngại nhưng tốc độ tăng “bánh nợ” đang diễn ra rất nhanh trong một năm qua là điều còn đáng phải quan tâm hơn nữa. Nếu không xử lý nhanh, nhiều rủi ro có thể xảy ra đối với nền kinh tế. Đáng báo động nữa là việc nền kinh tế thiếu chính sách, tầm nhìn dài hạn. Chính sách tài khóa, đầu tư công của chúng ta hiện vẫn chưa chuyển sang trung hạn. Bao năm qua vẫn ở tình trạng duyệt tài khóa, quyết đầu tư theo năm.

Vấn đề khác của nền kinh tế chính là vấn đề giảm đầu tư. Tổng đầu tư hai năm qua đã giảm rất mạnh, cả ở khối FDI và tư nhân. Các năm trước tổng đầu tư của nền kinh tế toàn ở mức 43%-44% GDP nay giảm xuống còn khoảng 30%.

Dù rất nỗ lực giải ngân, tăng đầu tư cho nền kinh tế nhưng khả năng hấp thụ của nền kinh tế đang rất yếu, tối đa mỗi tháng chỉ 900 triệu – 1 tỷ USD. Trong khi đó, con số đầu tư của khối tư nhân hiện rất không chính xác. Xuất khẩu nhiều mặt hàng đối mặt với khó khăn. Điều này chứng tỏ sức hấp thụ của nền kinh tế rất yếu.

Tái cơ cấu là phải làm cái mới nhưng hiện không có quan điểm mới để xử lý. Phải đổi mới tư duy. Kinh tế hiện nay đối diện cạnh tranh rất mạnh, quan điểm, tư duy phải bằng người ta chứ lại nghĩ khác thời đại, khác người ta thì cạnh tranh thế nào. Cứ thế này, càng đàm phán càng thua thiệt. Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực và cần một chế độ quy trách nhiệm cá nhân”.

TS Võ Đại Lược

PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng, kinh tế đang hết sức mong manh. Số doanh nghiệp (DN) phá sản ngày càng tăng trong khi quy mô ngày càng nhỏ đi. Doanh nghiệp nhỏ có gia tăng nhưng số doanh nghiệp lớn có khả năng chịu đựng được giông bão dường như đang buông tay trước những khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Câu chuyện nữa, bệnh thành tích dường như đang rất nặng nề được ông Thiên dẫn ra qua về việc báo chí đặt câu hỏi về số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng nhưng vì sao tăng trưởng GDP vẫn đạt cao.

Theo ông Thiên, các đặc trưng của nền kinh tế, về cơ bản, sau bao năm rất lạc hậu. Công nghiệp vẫn chủ yếu khai thác, bán tài nguyên thô. Nông nghiệp thì loay hoay với đủ loại cây trồng, nay trồng, sang năm, năm sau nữa lại chặt, phá bỏ. Nhìn dài hạn thì năm nào nền nông nghiệp cũng có dịch chuyển nhưng vài năm sau lại quay lại trồng đúng loại cây đã bị phá bỏ trước đó.

“Sự xung đột cơ cấu do vấn đề chính sách đang ngày càng gay gắt. Như trong ngành công thương, xung đột giữa ngành thép và ngành điện khá nặng nề. Điều này cho thấy sự phối hợp chính sách trong cùng một ngành không có. Ở lĩnh vực liên ngành, phát triển thủy điện và nông nghiệp cũng diễn ra tương tự. Mạnh ai bộ nào bộ đấy làm”, ông Thiên nói.

Phải cạnh tranh lành mạnh

Bài phát biểu Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung cũng được các chuyên gia đánh giá cao khi khẳng định chúng ta chưa tuân thủ đầy đủ luật chơi của nền kinh tế thị trường. Tái cơ cấu nền kinh tế và khối DNNN sẽ khó có bước tiến chừng nào DN vẫn chưa tham gia cuộc chơi lời ăn lỗ chịu. Đến nay vẫn còn tình trạng Chính phủ đi vay tiền rồi cho DN vay lại.

Khi DN không có khả năng thanh toán là lại được hỗ trợ lãi suất, khoanh, giãn, hoãn nợ và thuế. Khi không bán được hàng thì có ông Chủ tịch tỉnh đứng ra chỉ đạo tiêu thụ hàng hóa. Nhiều DN được hưởng đặc quyền trong quản lý, khai thác tài nguyên quốc gia.

Các lãnh đạo DNNN theo luật phải sau 2 năm làm ăn thua lỗ mới phải chứng minh năng lực điều hành. Vì vậy, khi xảy ra thua lỗ, đồng nghĩa hậu quả khá nghiêm trọng. Trong cơ chế thị trường, mọi thứ dường như không sòng phẳng ngay trong cạnh tranh giữa các DN trong nước, giữa các DNNN và DN tư nhân.

Hiện quyết tâm thực hiện tái cơ cấu, kế hoạch thực hiện đều đã có. Vậy làm sao để việc tái cơ cấu nền kinh tế có hiệu quả thực tế. Chúng ta tiếp tục kỳ vọng vào việc tái cơ cấu nhưng đừng để chỉ là kỳ vọng.

“Việc ưu đãi DN FDI khiến DN trong nước bị thua thiệt ngay trên sân. DN chỉ cần được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp cận lãi suất thì chả cần làm gì có lãi hơn DN khác. Tốc độ xử lý nợ xấu chậm hơn tốc độ gia tăng nợ xấu mới. Đây là điều cực kỳ đáng báo động”, ông Thiên bổ sung.

Mổ xẻ những mặt trái của nền kinh tế để cho thấy những điều bất cập của việc tái cơ cấu, lãnh đạo Viện Kinh tế khẳng định, có rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ về tái cơ cấu nền kinh tế. Hiện chúng ta thiết kế mô hình, chính sách đang hướng tới thúc đẩy nhập khẩu hơn sản xuất trong nước. Cộng với các chính sách tiền tệ dường như xu hướng kinh tế đầu cơ đang rất nặng nề.

Nhiều cuộc họp, hội thảo đánh giá, tái cấu trúc nền kinh tế không chỉ là sắp xếp lại nền kinh tế mà là phải xoay sang một cấu trúc khác, một hướng phát triển mới. Cùng đó, tái cơ cấu chậm nhưng không có mổ xẻ nào cho thấy là do cách làm của chúng ta làm không đúng hay do không chịu làm.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cuối tuần có mưa dông rải rác
Hà Nội cuối tuần có mưa dông rải rác
TPO - Diễn biến khí tượng tại khu vực Thủ đô Hà Nội trong ít ngày tới có biến động tương đối rõ rệt với hình thái có mưa dông rải rác, chủ yếu mưa to tập trung về đêm. Kéo theo đó nền nhiệt trung bình cao giảm, trong ngày có nhiều thời điểm duy trì ngưỡng dưới 30 độ C.