Tái cơ cấu kinh tế đừng trông chờ sự tự giác

Tái cơ cấu kinh tế đừng trông chờ sự tự giác
TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề Diễn đàn Kinh tế mùa Thu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, việc tái cơ cấu vẫn dậm chân tại chỗ dù đã được hô hào thực hiện quyết liệt. Tái cơ cấu phải có sức ép chứ không thể trông chờ sự tự giác.

Đừng đợi sự tự giác

Theo bà Phạm Chi Lan, bản thân bà cũng như các chuyên gia khác rất sốt ruột trước tình trạng “ì” trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Ngay như việc tái cơ cấu nợ công. Sau khi Chính phủ thông báo về việc siết lại đầu tư công, hạn chế đầu tư dàn trải, nhiều dự án đã được thu hẹp lại. Nhưng dường như mọi việc lại đang trở lại như cũ. Sau 4 năm mọi thứ không có chuyển biến nhiều nếu nhìn vào báo cáo đầu tư ở các địa phương.

Theo bà Lan, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã bày tỏ mong muốn có một sự mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo sức ép từ trên xuống. Không trông chờ được nhiều vào sự tự giác tái cơ cấu của các bên, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước.

Đề cập thẳng thắn tới mức khá gay gắt trong nhiều vấn đề nổi cộm của nền kinh tế trong bài phát biểu mở đầu cuộc thảo luận về kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, TS Võ Trí Thành, Viện phó Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, nếu mọi việc vẫn tiếp diễn như thời gian qua, sẽ không có bước chuyển biến trong tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu cũng như cải tổ khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). 

Theo ông Thành, ý chí chính trị, kế hoạch thực hiện đều có cả nhưng việc thực hiện chậm chạp làm suy giảm lòng tin ở cả trong nước và quốc tế. Từ tháng 6 đến giờ tiếp xúc 20 tập đoàn lớn của thế giới và họ đều hỏi Việt Nam cải cách DNNN có thật không.

Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế khẳng định, tái cấu trúc nền kinh tế không chỉ là sắp xếp lại nền kinh tế mà là phải xoay sang một cấu trúc khác, một hướng phát triển mới. Có vấn đề chúng ta đang coi quá trình thực hiện tái cơ cấu, kết quả của nền kinh tế như là tái cơ cấu. 

Phải thừa nhận, tái cơ cấu có những bước tiến nhưng không có những thay đổi chiến lược. Vấn đề nữa, tái cơ cấu chậm nhưng không có mổ xẻ nào cho thấy là do cách làm của chúng ta làm không đúng hay do không chịu làm. Cần có đánh giá cụ thể về vấn đề này.

Mổ xẻ những mặt trái của nền kinh tế để cho thấy những điều bất cập của việc tái cơ cấu, ông Thiên khẳng định hiện có rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ về tái cơ cấu nền kinh tế. Hiện chúng ta thiết kế mô hình, chính sách đang hướng tới thúc đẩy nhập khẩu hơn sản xuất trong nước. Cộng với các chính sách tiền tệ dường như xu hướng kinh tế đầu cơ đang rất nặng nề. 

Công trình xây dở

Theo TS Lê Đăng Doanh, tái cơ cấu nền kinh tế giống như một công trình đang xây dở. Đề án xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng được triển khai trên nhiều mảng cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và cho đến nay chưa giải quyết những cản trở chính. 

Các vấn đề phức tạp về sở hữu chéo, chất lượng tín dụng, nhà đầu tư góp vốn vào ngân hàng để huy động số vốn cao hơn nhiều lần từ ngân hàng đó vi phạm các quy định pháp luật về tổ chức tín dụng vẫn chưa có lời giải.

Trong khi đó, thị trường bất động sản được Công ty Nomura đánh giá lên đến 21 tỷ USD (4,4 triệu tỷ VNĐ), 'chôn' một số vốn tín dụng khổng lồ (1 triệu tỷ đồng) với rất nhiều yếu tố tiêu cực như lừa đảo, chiếm dụng vốn, tỷ lệ đút lót, lại quả rất cao. Chỉ riêng lĩnh vực này, phải cần đến khoảng 7 năm để giải quyết. 

Dù có liên quan mật thiết đến nợ xấu và hoạt động ngân hàng nhưng không có đề án tái cơ cấu một cách toàn diện và có hệ thống trong lĩnh vực này. Hiện mới chỉ có dự án cho vay với tổng số vốn là 30.000 tỷ đồng, được giải ngân rất chậm và chỉ có tác động rất hạn chế đến việc giải tỏa kho bất động sản đang tồn đọng trên thị trường.

“Các vấn đề khác của thị trường bất động sản được đề cập riêng lẻ trong những đề án khác như Luật đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở trong khi công luận đã phát hiện những chồng chéo, vướng mắc giữa các luật trên. Kết quả là bong bóng bất động sản tiếp tục tác động đến cục máu đông nợ xấu, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Doanh cho biết.

Cũng theo ông Doanh, vấn đề quan trọng khác, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tập trung vào cổ phần hóa với tốc độ cao, trong khi các vấn đề khác rất quan trọng như đại diện chủ sở hữu, tách bạch rõ quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu và bổ nhiệm nhân sự, thực hiện công khai minh bạch vẫn chưa được giải quyết và chưa có tiến bộ rõ rệt nào trong thực tế.

“Nền kinh tế đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất to lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời, hữu hiệu. Đề nghị Quốc hội xem xét toàn diện vấn đề tái cơ cấu kinh tế đề ra cho nền kinh tế hiện nay. Cùng đó, bổ sung các đề án và nội dung cần thiết để công cuộc tái cơ cấu kinh tế thực sự đem lại những hiệu quả và tiến bộ cần thiết”, ông Doanh đề xuất.

MỚI - NÓNG