Tá hỏa vì tin nhắn 'râu ông nọ cắm cằm bà kia'

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Người gửi nhắn tin điện thoại nội dung một đằng, người nhận nhận được nội dung một nẻo. Câu chuyện hy hữu này vừa xảy ra với một thuê bao lâu năm ở Hà Nội.

Tin nhắn oái ăm

Anh Đ.T, chủ thuê bao số 090415xxxx cho biết vừa gặp tình huống rất khó hiểu khi nhắn tin cho đồng nghiệp ở cơ quan. Theo đó, khoảng 17h ngày 4/11, anh dùng điện thoại Blackberry Q10 nhắn tin cho đồng nghiệp nhờ đi họp hộ và giúp xử lý công việc hàng ngày. Tuy nhiên, ít phút sau đó, anh Đ.T nhận được tin nhắn hồi âm của nữ đồng nghiệp (dùng máy điện thoại Samsung số 091353xxxx) hỏi lại nội dung tin nhắn nhận được không rõ ràng.

Giật mình, tìm hiểu thì được biết, nữ đồng nghiệp đã nhận được một tin nhắn kiểu  “râu ông nọ cắm cằm bà kia” với nội dung không giống tin nhắn gốc đã được gửi đi. Không hiểu sao người nhận lại nhận được tin nhắn khác hẳn. Cũng may tin nhắn không mang nội dung nhạy cảm gì. Không rõ nhà mạng có can thiệp nội dung tin nhắn của tôi khi gửi không?”, anh Đ.T băn khoăn. 

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện các nhà mạng MobiFone và VinaPhone cho biết, đã cho kiểm tra về mặt kỹ thuật đối với hai số điện thoại nói trên. Theo đó, các tin nhắn về nguyên tắc đã được mã hóa dưới dạng các gói dữ liệu và được gửi đi “nguyên đai nguyên kiện”. Các nhà mạng không thể đọc hay can thiệp nội dung của từng tin nhắn. “Phần tin nhắn ghép trong trường hợp của khách hàng mạng VinaPhone là do lỗi phần mềm của máy Samsung”, đại diện VinaPhone khẳng định.

Cẩn trọng cài đặt phần mềm

Ông Vũ Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Phụ trách mảng chống mã độc của Bkav cho rằng. “Với nội dung gửi đi và đến, có thể thấy đây là tin nhắn kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. “Chúng tôi đã thí nghiệm và ghi nhận, các tin nhắn khi được gửi, trong trường hợp này, sẽ được thiết bị  (máy Samsung) nhận từng phần “part” sau đó ghép lại với một phần tin nhắn có sẵn trên máy của người nhận. Trong trường hợp này, có thể khẳng định điện thoại bị lỗi phần mềm, không liên quan đến nhà mạng hay vấn đề về virus. Đây là trường hợp cá biệt nhưng hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Sơn cho biết.

Một chuyên gia về bảo mật khác phân tích, trên thế giới cũng chưa từng được ghi nhận việc có sự can thiệp của nhà mạng trong việc làm biến đổi nội dung tin nhắn của khách hàng. Việc tin nhắn bị biến đổi nội dung trong trường hợp này có thể do phần mềm của máy Samsung bị lỗi khi cài đặt hoặc update (nâng cấp) trước đó. Theo đó, khi giao thức gửi tin nhắn qua lại giữa hai máy được thực hiện, thì thiết bị nhận tin nhắn sẽ bị nhầm các dữ liệu.

Theo các chuyên gia bảo mật, để phần mềm nghe lén điện thoại xâm nhập được vào các smartphone, ít nhất phải có những thao tác trực tiếp ngay trên điện thoại đó. Để tránh bị cài đặt những phần mềm theo dõi hoặc bị cài mã độc, người dùng không nên tải về hoặc cài đặt các phần mềm lạ trên mạng internet cũng như không nên bảo trì, sửa chữa điện thoại di động ở những nơi thiếu uy tín.

MỚI - NÓNG