Theo Danh lục đỏ Việt Nam vừa công bố, 26 năm trước tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), các nhà bảo tồn đã chụp được một bức ảnh hiếm hoi và quý giá về loài Hổ ngoài tự nhiên. Kể từ đó, chưa có một bức ảnh nào được ghi lại dù những nỗ lực tìm kiếm vẫn không ngừng nghỉ.
Trong khoảng thời gian từ năm 2019-2023, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã thực hiện bẫy ảnh tại 21 khu bảo tồn khắp Việt Nam. Hàng triệu hình ảnh được chụp nhưng không ghi nhận dấu vết loài Hổ. Các dự án bẫy ảnh khác ở những nơi loài này từng sinh sống cũng không tìm thấy dấu vết.
![]() |
Hình ảnh loài Hổ trong Danh lục đỏ Việt Nam 2024. |
Hổ từng có vùng phân bố rất rộng ở Việt Nam, trên nhiều kiểu rừng khác nhau từ Bắc đến Nam với đặc tính là hoạt động vào ban đêm, trên một vùng rất lớn, di chuyển xa.
Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng mất rừng, nguồn thức ăn suy giảm và nạn săn bắt cạn kiệt để làm thực phẩm, dược liệu và buôn bán đã đẩy “Chúa sơn lâm” vào tình trạng cực kỳ nguy cấp, theo phân hạng trong Danh lục đỏ Việt Nam. Ước tính quần thể loài có thể đã suy giảm trên 90% trong 40 năm qua với số lượng ngoài tự nhiên vô cùng ít ỏi.
Cùng với loài Hổ, Sao la cũng là loài thú vô cùng bí ẩn tại Việt Nam. Bức ảnh cuối cùng chụp được loài này vào năm 2013. Kể từ đó đến nay, các tổ chức bảo tồn quốc tế và Việt Nam dành rất nhiều nguồn lực tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.
Sao la được phát hiện lần đầu tiên tại VQG Vũ Quang vào năm 1992, gây chấn động giới bảo tồn trong nước và quốc tế, là một trong những loài thú hiếm nhất thế giới.
![]() |
Hình ảnh Sao la hiếm hoi được ghi nhận ngoài tự nhiên. |
Loài vật được mệnh danh là Kỳ lân châu Á này có một vùng phân bố khá hẹp, chỉ được ghi nhận tại Lào và Việt Nam (dọc dãy Trường Sơn từ Nghệ An vào đến Quảng Nam). Số lượng ảnh chụp được loài cũng vô cùng hiếm hoi.
Tháng 10 năm 1998, các nhà khoa học đã chụp được ảnh Sao la trong tự nhiên, tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Sau đó phải chờ đến 15 năm, bẫy ảnh của WWF mới ghi nhận được hình ảnh Sao La tại Quảng Nam. Từ đó đến nay, không ghi nhận thêm.
Các nhà khoa học nhận định, sinh cảnh sống bị thu hẹp do canh tác nông nghiệp và khai thác lâm sản, việc săn bắt quá mức làm thực phẩm, đồ mỹ nghệ ở các địa phương đã khiến loài vật bí ẩn này suy giảm hơn 80% số lượng cá thể trong vòng 30 năm qua.
Một loài vật khác cũng biến mất ở Việt Nam suốt hơn 40 năm qua là Mèo ri. Lần cuối cùng loài này được nhìn thấy là vào năm 1978 tại K’Bang (tỉnh Gia Lai).
Mèo ri từng sinh sống ở khu vực Tây Nguyên và tỉnh Tây Ninh. Các nhà khoa học ước tính số lượng cá thể ngoài tự nhiên là vô cùng ít ỏi do loài đối mặt với sinh cảnh sống bị suy thoái và nạn săn bắt đến cạn kiệt.
Dù nỗ lực tìm kiếm các loài động vật trên trong nhiều năm qua chưa được đền đáp, các nhà khoa học vẫn hy vọng vẫn còn những cá thể của loài ngoài tự nhiên. Tại Việt Nam từng ghi nhận những loài động vật biến mất hàng chục năm trước khi được thấy lại, điển hình như Cheo cheo lưng bạc, từng mất tích gần 30 năm trước khi được ghi nhận ở Vườn Quốc gia Núi Chúa, trở thành biểu tượng của Vườn Quốc gia này.