Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa cập nhật cơ sở dữ liệu Danh lục Đỏ và biên soạn Sách Đỏ Việt Nam phiên bản năm 2024.
So với phiên bản năm 2007, số lượng loài bị đe dọa trong Sách Đỏ Việt Nam 2024 đã tăng đáng kể, từ 836 loài lên 1.398 loài. Trong đó, số loài động vật tăng 354 loài, số loài thực vật tăng 196 loài và số loài nấm tăng 6 loài.
Đặc biệt, kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận 5 loài động vật đã bị tuyệt chủng (bậc EX - Extinct) hoặc tuyệt chủng trong tự nhiên (bậc EW - Extinct in the Wild) ở Việt Nam gồm Tê giác Java một sừng (Rhinoceros sondaicus), Rùa ba-ta-gua miền nam (Batagur affinis), Cá sấu hoa cà (Crocodylus porosus), Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi) và Hươu sao (Cervus nippon).
![]() |
Cá thể Tê giác Java được ghi nhận tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. |
Năm 2011, Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) công bố một thông tin gây chấn động giới bảo tồn. Tê giác Java một sừng đã bị tuyệt chủng tại Việt Nam sau khi kết quả phân tích gen của 22 mẫu phân thu thập từ năm 2009 đến năm 2010 cho thấy, các mẫu này đều thuộc về xác cá thể Tê giác được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Cát Tiên vào tháng 4/2010.
Tê giác Java từng được coi là tuyệt chủng tại đất liền châu Á cho đến khi phát hiện một cá thể bị bắn chết vào năm 1988 tại khu vực Cát Tiên. Từ đó, công tác bảo tồn loài đã được một số tổ chức quốc tế tham gia. Tuy nhiên, sinh cảnh sống bị mất cùng việc săn bắn trái phép đã dẫn đến cái chết của cá thể cuối cùng, khiến loài này tuyệt chủng. Trên thế giới, loài động vật đặc biệt quý hiếm này cũng chỉ được ghi nhận tại Indonensia, nơi quần thể loài còn lại vô cùng ít ỏi và hiếm gặp.
![]() |
Rùa ba-ta-gua miền nam. |
Rùa ba-ta-gua miền nam từng sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (chủ yếu là Kiên Giang, Cà Mau) nhưng không được ghi nhận lại kể từ năm 1990 trở lại đây. Năm 2005, một cá thể được cứu hộ ở VQG Cát Tiên nhưng có nguồn gốc do buôn bán từ Campuchia sang, đã được bàn giao trả lại Campuchia.
Các nhà khoa học cho rằng, loài này tuyệt chủng do bị săn bắt và trứng bị thu thập làm thực phẩm. Ngoài ra, sinh cảnh sống bị chia cắt và suy thoái nghiêm trọng do xâm lấn rừng ngập mặn, tác động của các hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá trên sông lớn, mất bãi đẻ, ô nhiễm nước, xây dựng đập thủy điện ở vùng thượng lưu cũng dẫn đến sự tuyệt chủng của loài ngoài tự nhiên.
![]() |
Cá sấu hoa cà. |
Cá sấu hoa cà từng được ghi nhận ở khu vực cửa sông Cần Giờ, vùng biển Côn Đảo và Phú Quốc, miền Nam Việt Nam, ghi nhận gần đây nhất là ở đảo Phú Quốc vào năm 1994 nhưng không có minh chứng mẫu vật. Từ đó đến nay, loài này không được ghi nhận lại trong tự nhiên.
Các nghiên cứu trước đó cũng ghi nhận xương sọ cá sấu ở Cần Thơ và ước tính cá thể này đã chết cách nay khoảng 100 năm. Nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài là do săn bắt cạn kiệt làm thực phẩm và kỹ nghệ da.
Các nhà khoa học đề xuất, cần bảo vệ sinh cảnh tiềm năng của loài trong tự nhiên, giảm thiểu tác động của con người trong vùng phân bố của loài để đón các cá thể di cư. Tuyên truyền nhằm hạn chế tác động của con người đến sinh cảnh sống cũng như đến quần thể của loài. Ngoài ra, có thể nhân nuôi sinh sản để phục hồi quần thể.
![]() |
Loài Hươu sao. |
Loài Hươu sao (Cervus nippon) từng được ghi nhận phân bố ngoài tự nhiên ở Việt Nam nhưng từ năm 1990 đến nay không còn tìm thấy. Các nhà khoa học nhận định, loài vật này đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Tuy nhiên, loài này hiện được nuôi ở các tỉnh Cao Bằng, thành phố Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh ở phía nam.
![]() |
Gà lôi lam mào trắng. |
Gà lôi lam mào trắng không còn được ghi nhận ngoài tự nhiên tại Việt Nam hơn 20 năm qua, dù đã có rất nhiều chuyến điều tra bằng các phương pháp truyền thống và hiện đại ở các địa điểm trước đây từng ghi nhận loài này. Chính vì vậy, các nhà khoa học xếp loại loài vào nhóm tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, loài này vẫn còn tồn tại trong môi trường nuôi nhốt với số lượng cá thể ước tính khoảng 1000 con.
Các nhà khoa học kiến nghị thực hiện phục hồi quần thể bằng phương pháp nhân giống nhân tạo, tái thả các cá thể nhân nuôi trong vườn thú trở lại tự nhiên.