Trò chuyện một lúc, bác khẽ lắc đầu: Không cần ghi tên tôi làm gì đâu. Nhà tôi cũng gần sân vận động đây thôi. Giá mà tôi giàu có, như những người đổ cả tỷ đồng vào những trận bóng đá, sẽ giúp được nhiều hơn …
Chợt nhớ, đang diễn ra trận đấu sôi nổi, gay cấn giữa những nhà cầm trịch bóng đá nước nhà với các ông bầu. Sức nặng tiền của ông chủ các đội bóng khiến các quan chức liên đoàn lâu nay vốn quan liêu cũng phải vắt chân chạy theo gỡ rối.
Chưa biết trận đấu ngoài sân cỏ này kết thúc ra sao, nhưng rõ ràng, đồng tiền bất kể của các đại gia hay của nhà nước đổ vào môn thể thao đông người quan tâm này đang đòi hỏi một sự phân minh, sòng phẳng trong một trật tự mới.
Sức tiền khiến nhiều tiếng còi từ của trọng tài cho tới cảnh sát giao thông trở nên méo mó. Sức tiền kéo các cô gái xuống biển tắm tiên với các đại gia.
Sức tiền èo uột cộng lãi suất, lạm phát tăng cao đang khiến từ người dân tới doanh nghiệp khó thở, thậm chí thoi thóp. Sức tiền đè nặng bước chân đến trường của học sinh, sinh viên nghèo. Sức tiền đè nặng bệnh nhân nghèo khi sắp tới dự kiến tăng viện phí.
“Trong tiền có tâm”. Ấy dường như chỉ là mơ ước của cố thi sĩ Đồng Đức Bốn. Thực tế, không thể gắn con chíp lương tâm vào mỗi đồng tiền. Cũng như không thể chỉ hô hào suông người bán hàng phải có lương tâm (không được bán hàng dỏm), còn người tiêu dùng thì phải thông thái (biết tránh để không ăn phải thuốc độc).
Trong xã hội văn minh, mọi thứ đều có trật tự của riêng nó, kể cả tiền, được dẫn dắt điều hành bởi một mục đích lớn nhất, đó là vì vận mệnh con người, vận mệnh quốc gia, vận mệnh dân tộc… Trong số ít sức mạnh có thể lớn hơn tiền, ngoài tình yêu, thì chính là Luật. Khi mọi thứ trượt ra khỏi đường ray luật pháp, thì trước mặt có lẽ chỉ là hố thẳm.