Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề Tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 19/7 tại Hà Nội.
RCEP là thỏa thuận tự do thương mại được đề xuất giữa các nước thành viên ASEAN và 6 đối tác mà ASEAN đang có thỏa thuận tự do thương mại, gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, sau khi Mỹ rút khỏi TPP, nhiều người nghĩ đến RCEP là một lựa chọn có thể thay thế, nên sức ép để đẩy mạnh đàm phán hoàn tất RCEP rất mạnh. Các thành viên đang tích cực đàm phán để đẩy nhanh quá trình này. Nhưng đây là quá trình không dễ dàng vì có nhiều nền kinh tế lớn tham gia và lợi ích khác nhau. Hiện nay, các nước chung quyết tâm và nguyện vọng đẩy nhanh tiến trình đàm phán để đạt kết quả.
Tổng thư ký Lê Lương Minh cho biết, hiện nay ASEAN là tổ chức khu vực có nhiều hiệp định thương mại tự do nhất và ASEAN đang thương lượng RCEP để mở ra một thị trường rộng lớn, chiếm đến 1/2 dân số thế giới, 40% tổng kim ngạch thương mại và GDP của thế giới, mở ra không gian rộng lớn cho thương mại, đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến, cuối năm nay, các nước sẽ hoàn thành quá trình thương lượng về RCEP, ông Minh nói.
Bên cạnh đó, ASEAN đang thương lượng với Hong Kong về hiệp định tự do hóa thương mại dự kiến ký kết vào cuối năm nay. ASEAN cũng đang thảo luận với Canada và khả năng sẽ thương lượng với Mỹ và Cộng đồng kinh tế Á-Âu về khu vực thương mại tự do. Với lộ trình này, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang xuất hiện xu hướng chống toàn cầu hóa, xu hướng bảo hộ mậu dịch, ASEAN tiếp tục thực hiện chính sách chủ nghĩa khu vực mở, mở ra những cơ hội lớn không chỉ cho quá trình hội nhập khu vực, toàn cầu mà cơ hội lớn cho cả các doanh nghiệp của ASEAN, của Việt Nam, ông Minh nói.
Tỷ trọng thương mại với ASEAN giảm
Thống kê cho thấy, sau gần 2 năm Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường chung ASEAN giảm. Nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, đây không phải điều bi quan.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và các nước ASEAN khác giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 11,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong nửa đầu năm 2016 đạt 8,08 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ của năm trước đó và chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Thứ trưởng Dũng cho rằng, đây là yếu tố khách quan khi Việt Nam đẩy mạnh hội nhập với bên ngoài. Trong khi thương mại của Việt Nam với các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và EU tăng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN giảm, nghĩa là tỷ trọng thương mại của Việt Nam với ASEAN giảm so với các thị trường lớn khác. Theo ông Dũng, đây không hẳn là điều bi quan mà vẫn cho thấy sự phát triển cụ thể. Nhưng với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành từ đầu năm 2016, Việt Nam vẫn muốn thúc đẩy thương mại với khối.
Theo Thứ trưởng Dũng, doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự đặt chân vào thị trường ASEAN, trở thành người chơi trên thị trường đó và là người chơi có đủ năng lực. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ còn là người thụ hưởng mà phải trở thành người tham gia đặt ra luật chơi, chủ động quan tâm và đóng vai trò lớn hơn trong định hình ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các doanh nghiệp.
Trong tọa đàm sáng qua, các diễn giả đưa ra một số gợi ý về cách thức để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu để nắm bắt tốt hơn cơ hội AEC đem lại.