Sợ ngập nợ với Trung Quốc, quốc đảo Thái Bình Dương hoãn xây cảng mới

0:00 / 0:00
0:00
Một tàu bốc hàng tại cảng Matautu ở thủ đô Apia của Samoa. (Ảnh: Reuters)
Một tàu bốc hàng tại cảng Matautu ở thủ đô Apia của Samoa. (Ảnh: Reuters)
TPO - Thủ tướng sắp kế nhiệm của Samoa cam kết sẽ gác lại dự án xây cảng trị giá 100 triệu USD mà Trung Quốc đầu tư vào nước này, với lý do khoản vay đó vượt quá khả năng gánh vác của quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương khi họ đã mắc nợ Trung Quốc quá nhiều.

Bà Fiame Naomi Mataafa, lãnh đạo đảng đối lập, sắp trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Samoa sau khi bế tắc chính trị kéo dài nhiều tuần được giải quyết. Bà nói rằng bà định sẽ tiếp tục duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng bà có những vấn đề cấp bách hơn cần giải quyết trước.

Dự án xây dựng cầu cảng ở vịnh Vaiusu gây ra nhiều chia rẽ ở Samoa và đã trở thành một vấn đề trong cuộc bầu cử vào tháng 4 vừa qua. Kết quả là nhà lãnh đạo lâu năm Tuilaepa Sailele Malielegaoi thất bại khi không giữ được đa số ghế trong quốc hội.

Dự án cũng đe doạ châm ngòi một cuộc tranh giành ở Thái Bình Dương khi Mỹ và các đồng minh đang cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Bà Fiame sẽ trở thành thủ tướng sau khi toà án tối cao nước này ra phán quyết về kết quả bầu cử. Bà nói với Reuters rằng Samoa có nhiều nhu cầu cấp bách cần giải quyết hơn là việc xây một cảng mới.

“Samoa là một quốc gia nhỏ. Các cảng biển và sân bay hiện nay vẫn đáp ứng được nhu cầu của chúng tôi”, bà Fiame nói với Reuters.

Quan điểm này trái ngược với ông Tuilaepa, người vẫn được Bắc Kinh coi là đồng minh thân thiết trong suốt hai chục năm ông lãnh đạo.

“Khoản nợ của chính phủ chúng tôi với chính phủ Trung Quốc được cử tri coi là vấn đề cấp bách”, bà Fiame nói.

Bà khẳng định chính phủ mới sẽ duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Samoa, chiếm tới 40%, tương đương 160 triệu USD, trong tổng nợ của quốc gia với chỉ 200.000 dân.

Ông Tuilaepa trước đó nói rằng các nước Thái BÌnh Dương chỉ có thể tự trách mình nếu rơi vào tình trạng nợ không bền vững.

Ông khẳng định rằng cầu cảng Vaiusu mà Trung Quốc đầu tư sẽ tạo ra nhiều việc làm cần thiết, đồng thời đẩy mạnh thương mại và du lịch. Nhưng thiết kế của cảng và điều khoản vay vẫn chưa được tiết lộ.

Dự án đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Trung Quốc, dự kiến sẽ khởi công khi nào hoạt động đi lại quốc tế được khôi phục.

Là quốc gia vốn sống phụ thuộc vào nông nghiệp, du lịch và xuất khẩu các sản phẩm dừa và cá, Samoa gần đây dựa vào các nước lớn để có được các khoản đầu tư cho phát triển.

Cảng Vaiusu nằm gần cảng chính Apia của Samoa. Cảng Apia gần đây được mở rộng bằng nguồn tài chính do Nhật Bản cung cấp. Nhưng khoản đầu tư của Trung Quốc vấp phải nhiều chỉ trích.

Những cơ sở như vậy có thể biến thành tài sản quân sự trong thời chiến, gây ra thách thức với Mỹ và các đồng minh khi họ vốn có ảnh hưởng thống trị ở vùng này suốt từ năm 1945.

Đầu tháng này, Reuters đưa tin rằng Trung Quốc đang muốn đầu tư vào dự án nâng cấp sân bay ở một trong các đảo xa xôi của Kiribati trên Thái Bình Dương, sâu trong khu vực thường là vùng ảnh hưởng của Mỹ.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội
Chuyện chưa biết về lần trùng tu đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội
TPO - Dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội lần đầu được thông qua năm 1994. Kiến trúc sư, GS.TS Hoàng Đạo Kính - người chủ trì hội đồng trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội 30 năm trước - nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ông tiết lộ quá trình trùng tu công trình kiến trúc gắn liền với tên tuổi Thủ đô Hà Nội.