Con đập khiến Ecuador ngập trong nợ nần với Trung Quốc

Đập Coca Codo Sinclair tại tỉnh Napo, Ecuador. Ảnh: NYTimes.
Đập Coca Codo Sinclair tại tỉnh Napo, Ecuador. Ảnh: NYTimes.
Đập Coca Codo Sinclair do Trung Quốc xây dựng bị hư hỏng sau hai năm đưa vào sử dụng, dù chi phí đầu tư tới 2,6 tỷ USD.

Nằm bên dưới một ngọn núi lửa đang hoạt động với những cột tro bụi phun lên trời là con đập thủy điện Coca Codo Sinclair trên sông Coca ở tỉnh Napo. Các quan chức đã cảnh báo không nên xây đập ở đây trong nhiều thập niên. Các nhà địa chất cho rằng một trận động đất có thể quét sạch nó.

Hiện giờ, chỉ hai năm sau khi đi vào hoạt động, hàng nghìn vết nứt xuất hiện trên hệ thống máy móc của đập. Lần duy nhất các kỹ sư cho nó vận hành hết công suất, các thiết bị rung lắc và gây ảnh hưởng đến lưới điện quốc gia.

Con đập khổng lồ trong rừng rậm này được tài trợ và xây dựng bởi Trung Quốc, vốn được cho là sẽ thỏa mãn tham vọng cho Ecuador, giải quyết nhu cầu năng lượng và giúp đưa đất nước Nam Mỹ này thoát nghèo.

Thay vì vậy, nó trở thành một phần của bê bối quốc gia nhấn chìm đất nước trong nạn tham nhũng, những khoản nợ nguy hiểm và một tương lai bị trói buộc với Trung Quốc.

Gần như tất cả quan chức hàng đầu của Ecuador tham gia vào dự án đều đã bị bỏ tù hoặc kết án về tội nhận hối lộ, bao gồm cựu phó tổng thống, cựu bộ trưởng điện lực và cả cựu quan chức chống tham nhũng giám sát dự án.

Ecuador đang nợ Trung Quốc 19 tỷ USD, không chỉ vì con đập Coca Codo Sinclair này mà cả các dự án cầu, đường cao tốc, thủy lợi, trường học, trạm y tế và vài con đập khác.

Dù Ecuador có đủ khả năng trả hay không thì Trung Quốc vẫn nhận được tiền vì nhiều hợp đồng trả bằng dầu chứ không phải USD. Trung Quốc được nhận 80% lượng dầu xuất khẩu của Ecuador. Họ được mua với giá thấp và sau đó bán lại để kiếm thêm lợi nhuận.

Bơm đủ dầu để trả nợ cho Trung Quốc đã trở thành một điều bắt buộc đối với Ecuador, khiến họ tiến vào sâu hơn trong Amazon để khoan dầu, gây ra nguy cơ phá rừng nhiều hơn. Không chỉ vậy, Tổng thống Lenin Moreno đã cắt giảm chi tiêu xã hội, trợ cấp xăng dầu, một số cơ quan chính phủ và hơn 1.000 công chức. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán đất nước sẽ trượt vào suy thoái.

"Trung Quốc đã lợi dụng Ecuador", Bộ trưởng Năng lượng Ecuador Carlos Pérez nhận xét. Chiến lược của Trung Quốc rất rõ ràng. "Họ nắm quyền kiểm soát kinh tế của các nước".

Đập Coca Codo Sinclair được khởi công vào năm 2010. Khi Fernando Santos, cựu bộ trưởng năng lượng giữ chức vào những năm 1980, biết về dự án này, ông không thể tin nổi.

Thời ông còn đương nhiệm, các quan chức từng từ chối kể cả những dự án nhỏ hơn vì ngọn núi lửa gần đó. Một trận động đất lớn đã phá hủy cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong khu vực vào năm 1987.

"Núi lửa đã phun trào kể từ khi người Tây Ban Nha đến Ecuador vào thế kỷ 16", Santos nói thêm rằng việc đầu tư rất nhiều tiền vào một vị trí rủi ro như vậy là vô nghĩa.

Con đập khiến Ecuador ngập trong nợ nần với Trung Quốc ảnh 1 Núi lửa Reventador ở gần con đập. Ảnh: NYTimes.

Một đánh giá độc lập về dự án vào năm 2010, được chuẩn bị bởi một cơ quan chính phủ Mexico, cảnh báo rằng lượng nước trong khu vực để sử dụng cho con đập đã không được nghiên cứu trong gần 30 năm.

Bất chấp lời khuyên, Luciano Cepeda, cựu quản lý của con đập, nói rằng các quan chức hàng đầu Ecuador vẫn cho thực hiện dự án vì nếu tiến hành nghiên cứu thì sẽ mất vài năm và họ không muốn dự án đình trệ.

Tổng thống Ecuador tại thời điểm đó, Rafael Correa, là một người theo chủ nghĩa dân túy cánh tả. Ông thề sẽ hiện đại hóa đất nước và thoát khỏi quỹ đạo của Mỹ. Ông nhiều lần có phát biểu chỉ trích Mỹ và năm 2008, từ chối gia hạn hợp đồng cho phép các chuyến bay giám sát chống ma túy của Mỹ hoạt động từ một căn cứ không quân của Ecuador.

Ông cũng quay lưng với các tổ chức tài chính phương Tây như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và mời gọi Trung Quốc thế chỗ. "Correa không muốn dính dáng các ngân hàng và tổ chức phương Tây", Diego Borja, cựu bộ trưởng điều phối kinh tế, nói. "Chúng tôi biết mối quan hệ với Trung Quốc sẽ chẳng dễ dàng".

Borja và các quan chức khác đã do dự trước các điều kiện đi kèm với khoản vay từ Trung Quốc. Hầu hết khoản vay đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc với lãi suất cao và yêu cầu Ecuador sử dụng các công ty thi công Trung Quốc.

"Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác", Borja nhớ lại. "Các cánh cửa với phương Tây đã đóng".

Con đập khiến Ecuador ngập trong nợ nần với Trung Quốc ảnh 2 Gia đình phàn nàn về giá điện ở Cuyuja. Ảnh: NYTimes.

Khi Correa có tiền, một khủng hoảng mới xuất hiện: Ecuador thiếu điện vì một đợt hạn hán đã làm cạn kiệt các hồ chứa nước của quốc gia, làm tê liệt các con đập. Nhưng thay vì tìm kiếm nguồn khác, Correa vẫn quyết định đẩy mạnh phát triển thủy điện.

Các quan chức nói rằng Bộ trưởng Điện lực của Correa, Andreassey Mosquera, là người đầu tiên đề cập đến Coca Codo Sinclair: dự án được cho là có thể cung cấp một phần ba lượng điện cho đất nước.

Cuối cùng, nó được xây dựng ngay dưới núi lửa Reventador và có kích thước gần gấp đôi dự án từng bị từ chối hàng thập niên trước. Khi nó được khánh thành năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bay tới Ecuador để chào mừng.

Tuy nhiên, chỉ hai ngày trước chuyến thăm, hỗn loạn đã xảy ra. Các kỹ sư cho con đập vận hành hết công suất 1.500 MW nhưng cả nó lẫn lưới điện của Ecuador đều không xử lý được. Các thiết bị của đập rung lên và xảy ra mất điện trên diện rộng. Giờ đây, con đập thường chỉ chạy với một nửa công suất.

Dù chất lượng con đập không tốt, Ecuador vẫn phải gồng mình trả nợ. Khoản vay 1,7 tỷ USD của Ecuador từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc là món hời cho Bắc Kinh với lãi suất 7% trong 15 năm. Chỉ tính riêng tiền lãi, Ecuador nợ 125 triệu USD mỗi năm.

Nhiều người Ecuador nói rằng gánh nặng đang đè lên vai họ. Người dân ở thị trấn Cuyuja lo lắng tháp truyền tải điện của đập sẽ sụp đổ trong những trận lở bùn. Các nhà địa chất đánh giá phần móng của tháp đã không được thi công kiên cố.

Một phàn nàn khác của người dân là giá điện quá cao. Maria Esther Tello phải trả 60 USD vào tháng trước dù chỉ dùng điện để chiếu sáng. "Tiền đóng thuế của mẹ tôi đi đâu rồi?", Isbela Nole, người bóc đậu để kiếm tiền trả cho chính phủ, nói.

Ở lối vào con đập là dòng chữ được khắc bằng đá cẩm thạch: "Trân trọng phó tổng thống Jorge Glas Espinel vì đã vạch ra và thúc đẩy dự án đồ sộ này".

Glas đang ngồi trong một buồng giam vì bị kết tội nhận hối lộ từ công ty xây dựng Brazil Odebrarou. Các công tố viên Mỹ cho biết Odebrarou đã chi 33,5 triệu USD để hối lộ ở Ecuador nhằm giành được các hợp đồng.

Các quan chức Ecuador đang điều tra xem liệu người Trung Quốc có hối lộ cho Glas và các quan chức liên quan đến ông hay không. Cựu bộ trưởng điện lực Mosquera, cựu quan chức chống tham nhũng Carlos Pólit và Ricardo Rivera, một cộng sự thân cận khác của Glas, đã bị buộc tội ăn hối lộ hàng triệu USD.

Các quan chức hành pháp ở Ecuador nắm trong tay một đoạn băng ghi âm cuộc hội thoại giữa một giám đốc của Odebrarou với Pólit. Hai người thảo luận về một khoản hối lộ.

Giám đốc của Odebrarou nói rằng Graffiti, phó tổng thống Ecuador, đã đòi hỏi rất nhiều tiền. Ông sau đó giải thích rằng ông được nghe nói "đây là luật bất thành văn vì người Trung Quốc cũng trả nhiều tiền như vậy".

Luật sư của Glas bác bỏ thân chủ dính líu đến tham nhũng xoay quanh đập Coca Coda Sinclair. Cựu tổng thống Correa bị truy nã vì tổ chức một vụ bắt cóc đối thủ và đang sống lưu vong ở Bỉ. Sinohydro, công ty nhà nước Trung Quốc thi công đập, từ chối yêu cầu bình luận.

Khi bạn đi dọc theo sông Quijos để đến Coca Codo Sinclair, thật khó để nhận ra bạn đang ở gần một con đập. Hồ chứa bị tắc bởi phù sa, cát và cây nhỏ do lỗi thiết kế.

Năm 2014, các kỹ thuật viên nhận thấy các vết nứt trên thiết bị thép không gỉ do Trung Quốc sản xuất. Tháng 12 năm đó, 13 công nhân thiệt mạng khi một đường hầm bị ngập và sụp đổ. Một kỹ sư cấp cao đã gửi báo cáo Correa, ông này bị sa thải vài ngày sau đó.

Quan chức chống tham nhũng Pólit đã thanh tra dự án nhưng phía Trung Quốc sau đó chỉ bị phạt nhẹ. Các quan chức hành pháp Ecuador đang điều tra liệu Pólit và các quan chức khác có được người Trung Quốc hối lộ để làm ngơ trước các vấn đề hay không.

7.648 vết nứt đã xuất hiện trên hệ thống máy móc của đập vì thép không đạt chuẩn và kỹ thuật hàn của Sinohydro. Cát và phù sa cũng là mối lo ngại lớn vì chúng có thể làm hỏng thiết bị quan trọng. Để xử lý, các kỹ sư thường xuyên giải phóng một lượng nước lớn để dọn sạch hệ thống, gây ra lũ quét tại nơi Carlos Usamá, một nông dân trồng mía, sinh sống. Không ai cảnh báo với ông mỗi khi xả lũ.

Những khoản nợ chồng chất đã khiến các lãnh đạo mới của Ecuador muốn thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Nhưng đó là điều rất khó khăn, Risa Grais-Targow, nhà phân tích tại công ty tư vấn Eurasia Group, đánh giá.

"Họ biết rằng họ không có nhiều nguồn tài chính, vì vậy họ sẽ phải quay lại gõ cửa Trung Quốc", bà nói.

Trung Quốc đã cho Ecuador một số nhượng bộ như trả thêm 92 cent cho mỗi thùng dầu. Nhưng chính phủ Ecuador vẫn cần 11,7 tỷ USD để trả nợ. Họ sẽ quay lại với các tổ chức mà Correa từng chỉ trích như Ngân hàng Thế giới và IMF. Tuy nhiên, một số người lo lắng Ecuador chỉ đơn giản là tìm đến một mối ràng buộc mới.

"Chúng ta nghiện các khoản vay", Santos, cựu bộ trưởng năng lượng, nói.

Leopoldo Gómez, người làm việc tại một cơ sở xử lý nước dưới thời Correa, có đồng quan điểm. "Giờ chúng tôi nhận ra có những thứ chúng tôi không cần, chẳng hạn như con đập".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG