Hứng nhiều chỉ trích, Trung Quốc lặng lẽ giãn nợ cho châu Phi

Hứng nhiều chỉ trích, Trung Quốc lặng lẽ giãn nợ cho châu Phi
TPO - Có lẽ do đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng về cách cho vay ở châu Phi, Trung Quốc đang xoá hoặc tái cấu trúc nợ cho nhiều nước châu Phi đang chịu gánh nặng khó giải quyết.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Kenya nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng giúp đỡ các nước châu Phi đang quá tải vì nợ giảm bớt gánh nặng.

“Nếu một số nước châu Phi gặp khó khăn trong trả nợ cho Trung Quốc, chúng tôi sẽ có tham vấn song phương với họ và áp dụng biện pháp linh hoạt theo các nguyên tắc của thị trường và tập quán quốc tế”, Đại sứ quán nói.

Những người chỉ trích cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể đang gài bẫy các nước bằng các khoản nợ không bền vững thông qua chương trình phát triển hạ tầng Vành đai Con đường.

Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này, nói rằng không có nước nào rơi vào khủng hoảng vì hợp tác với Trung Quốc.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Kenya Huang Xueqing nói rằng một số nước có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ nhưng tình hình ở mỗi nước một khác, các nguyên nhân phức tạp và liên quan đến nhiều yếu tố, nhiều bên.

“Những thay đổi về môi trường kinh tế bên ngoài cũng ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nước”, bà Huang nói.

Dù không công bố con số, tháng 4 vừa qua, Bắc Kinh xoá nợ các khoản vay mà Ethiopia nợ nước này từ cuối năm 2018.

Ethiopia vay hơn 13,7 tỷ USD từ Trung Quốc từ năm 2000-2017, theo số liệu từ Trường nghiên cứu quốc tế Johns Jopkins.

Ethiopia, con nợ lớn thứ hai ở châu Phi của Trung Quốc sau Angola, còn được Bắc Kinh nới thời hạn trả nợ từ 10 lên 30 năm cho khoản nợ 3,3 tỷ USD mà nước này vay để xây tuyến đường sắt Addis-Djibouti. 

Năm nay, Trung Quốc hoãn thu khoản nợ 78 triệu USD từ Cameroon. Năm ngoái, Bắc Kinh xoá khoản nợ 7,2 triệu USD cho Botswana và 10,6 triệu USD cho Lesotho, và hoãn thời hạn thu nợ 160 triệu USD của Sudan.

Và thoả thuận gần đây nhằm tái cấu trúc nợ cho CH Congo đã giúp nước này vay được 449 triệu USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế. Rắc rối của quốc gia trung Phi này bắt đầu từ giữa năm 2014, khi tình trạng cung vượt cầu khiến giá dầu thô giảm từ đỉnh cao 100 USD/thùng xuống 30 USD. Tiền bán dầu chiếm hơn 70% thu nhập của chính phủ.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ của Congo tăng vọt lên 118% GDP năm 2017. Với lỗ hổng lớn trong hệ thống tài chính của nước này, Trung Quốc đã ra tay giúp.

Trung Quốc chiếm hơn 1/3 số nợ của Congo, với tổng số khoảng 9 tỷ USD. Từ năm 2017, Congo đã cố gắng vay tiền từ IMF để phục hồi nền kinh tế. IMF yêu cầu nước này phải tái cấu trúc khoản nợ với Trung Quốc như một điều kiện tiên quyết để được hưởng chương trình tín dụng mở rộng trong 3 năm. Trung Quốc quyết định tái cấu trúc nợ là để giúp Congo đáp ứng đòi hỏi của IMF.

Zambia, Angola, Mozambique và Djibouti được nói là đang có những cuộc đàm phán tương tự với Trung Quốc.

Một báo cáo gần đây do tổ chức Tư vấn châu phi Oxford và nhóm Development Reimagined tại Bắc Kinh cho biết Bắc Kinh đã xoá khoảng 9,8 tỷ USD cho các nước khác kể từ năm 2000, chủ yếu ở châu Phi, ngoài ra còn có châu Á và Thái Bình Dương.

Tại châu Phi, báo cáo nói rằng Bắc Kinh giãn nợ khoảng 2,2 tỷ USD, và khu vực Đông Phi chiếm khoảng một nửa. 

Giới nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đang nhạy cảm với chỉ trích từ các chính phủ châu Phi về gánh nặng nợ và những điều khoản thanh toán mà họ khó thực hiện.

Ông David Shinn, một nhà ngoại giao và là giáo sứ tại Trường quan hệ quốc tế thuộc ĐH George Washington, nói rằng Trung Quốc đang tái cấu trúc các khoản nợ vì họ hiểu rằng họ không có lựa chọn tốt hơn.

“Những nước đó đơn giản là không thể trả nợ đúng hạn. Trung Quốc có hồ sơ tái cấu trúc nợ khá tốt và giờ đang đối mặt với thực tế”, ông Shinn nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc giữ quan điểm là họ chỉ hoãn các phần nợ miễn lãi suất. “Phần đó chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số sợ của châu Phi với Trung Quốc. Hầu hết nợ của châu Phi với Trung Quốc là ưu đãi và có thể tái cấu trúc, nhưng không thể huỷ”, ông Shinn nói.

Bà Scholastica Odhiambo, một giảng viên kinh tế tại ĐH Maseno ở Kenya, nói rằng Bắc Kinh lo ngại về tình trạng nặng nợ và những thách thức trả nợ do những công trình hạ tầng xây bằng tiền đi vay ở châu Phi.

Bà nói rằng các khoản vay Trung Quốc gắn với các công trình hạ tầng xã hội, bao gồm đường xá, sân bay và cảng biển, với tài sản thế chấp là thu nhập tương lai từ bán tài nguyên thiên nhiên hoặc phí thu về từ các công trình. Trung Quốc đôi khi nắm quyền quản lý các dự án mà họ đã rót vốn nhằm thu hồi tiền đầu tư. 

PGS XN Iraki, công tác tại Trường Kinh doanh thuộc ĐH Nairobi, nói rằng bằng cách nới lỏng một số khoản nợ, Trung Quốc có thể đang cố gắng khắc phục vấn đề bẫy nợ mà nhiều người chỉ trích, hoặc có thể đó là kiểu ngoại giao chiến lược.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG