Báo cáo mới: Trung Quốc dùng ngoại giao bẫy nợ để mở rộng ảnh hưởng

Bộ trưởng Vận tải và Cảng biển Sri Lanka Mahinda Samarasinghe trao đổi quà lưu niệm nhân lễ ký kết thỏa thuận chuyển nhượng cảng quốc tế Hambantota tại Colombo năm 2017. (Ảnh: CNN)
Bộ trưởng Vận tải và Cảng biển Sri Lanka Mahinda Samarasinghe trao đổi quà lưu niệm nhân lễ ký kết thỏa thuận chuyển nhượng cảng quốc tế Hambantota tại Colombo năm 2017. (Ảnh: CNN)
TPO - Báo cáo vừa được gửi lên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chính phủ Trung Quốc đang sử dụng các khoản nợ hàng tỷ đô la để mở rộng ảnh hưởng chính trị nhiều nước nước trên khắp châu Á và Thái Bình Dương.

Báo cáo độc lập do hai học giả của ĐH Havard soạn thảo nêu tên 16 nước bị Trung Quốc nhằm vào bằng chính sách “ngoại giao bẫy nợ”, trong đó Pakistan, Djibouti và Sri Lanka được xác định là những nước dễ bị tổn thương nhất.

Theo báo cáo, trong một số trường hợp, các khoản nợ lớn đến mức quá khả năng trả, từ đó giúp Bắc Kinh dùng những khoản nợ này để “giành được các tài sản chiến lược hoặc ảnh hưởng chính trị ở các nước vay nợ họ”.

Chính sách này giúp chính phủ Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bao vây Ấn Độ và Úc cũng như giúp củng cố vị trí của họ trên biển Đông, báo cáo viết.

Báo cáo mới: Trung Quốc dùng ngoại giao bẫy nợ để mở rộng ảnh hưởng ảnh 1 Một công nhân xây dựng Sri Lanka đang làm việc tại khu vực cảng Hambantota vào tháng 8/2010. (Ảnh: CNN)

Tháng trước, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói ông có “quan ngại lớn” về nguy cơ nước ngoài lập căn cứ quân sự ở nam Thái Bình Dương, sau khi xuất hiện các bài báo nói rằng Bắc Kinh đang đàm phán với Vanuatu để cho phép lực lượng Trung Quốc đồn trú ở đó.

Theo báo cáo mới, Vanuatu (chỉ cách bờ biển Úc 2.500km) đã vay ít nhất 270 triệu USD của Trung Quốc trong thập kỷ qua, tương đương 35% GDP của nước này. Vanuatu và Trung Quốc đều bác bỏ thông tin họ đang bàn về việc cho phép quân đội Trung Quốc hiện diện trên hòn đảo này.

Có sự quan ngại ở Washington rằng Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát một cảng thương mại lớn ở Djibouti, nơi cả Trung Quốc và Mỹ đều có căn cứ quân sự.

CNN dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Mỹ mong muốn Trung Quốc thúc đẩy và duy trì những cách làm được quốc tế chấp nhận trong hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng và cho vay.

“Chúng ta cần bảo đảm với bên cho vay rằng họ có lựa chọn để có thể giữ được chủ quyền và khả năng kiểm soát nền kinh tế của họ trong tương lai”, quan chức Mỹ nói.

Theo báo cáo nói trên, có nhiều cách để Bắc Kinh và các doanh nghiệp nhà nước của nước này cho vay nợ nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.

Trong một trường hợp, cơ sở hạ tầng làm bằng tiền vay Trung Quốc đã bị Trung Quốc thuê lại nhằm thanh toán khoản vay ban đầu.

Năm 2017, một cảng biển không sinh lời của Sri Lanka được xây bằng khoản vay hàng tỷ USD từ Trung Quốc đã được chính phủ nước này cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê trong 99 năm để giúp trả khoản nợ của đất nước.

Ông Sam Parker, đồng tác giả báo cáo, cho biết có nhiều lo ngại rằng những cảng biển như vậy sẽ bị sử dụng để phục vụ các tàu hải quân Trung Quốc sau khi đã bị các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc kiểm soát. “Hoàn toàn có khả năng những cảng đó sẽ chuyển từ hoạt động thương mại sang đón các tàu hải quân thỉnh thoảng viếng thăm, sau đó đến các hoạt động hỗ trợ nhân đạo rồi cuối cùng có thể trở thành một căn cứ quân sự”, ông Parker nói.

Ở Thái Bình Dương, các quốc gia như Vanuatu, Papua New Guinea và Tonga (vây quanh Úc và New Zealand) đều nợ chính phủ Trung Quốc hàng tỷ đô la.

Trong khi đó, bà Gabrielle Chefitz, đồng tác giả báo cáo, nói rằng Bắc Kinh sử dụng các dự án hạ tầng trên biển Đông để phá vỡ bất kỳ sự phản đối nào đối với tham vọng của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp này.

Nhiều khoản nợ được Trung Quốc cấp dưới sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc với mục tiêu được họ khẳng định là giúp các nước phát triển cảng biển, đường sắt và các hạ tầng khác trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.

Bà Chefitz nói rằng những khoản nợ dưới sáng kiến này cùng với những khoản cho vay phát triển khác của Trung Quốc có hình thức rất khác so với những chương trình trước đây của Mỹ như Kế hoạch Marshall.

“Kế hoạch Marshall chủ yếu là các khoản vay, còn Trung Quốc cho vay tiền nhưng muốn nhận lại điều gì đó”, bà Chefitz nói.

“Và do quan hệ giữa nhà nước với các công ty sở hữu nhà nước của Trung Quốc nên họ có thể nhận lại những thứ không chỉ đơn thuần là kinh tế mà còn mang bản chất chiến lược...như phủ quyết trong Asean hoặc một lá phiếu ở Liên Hợp quốc”, bà Chefitz nhận định.

MỚI - NÓNG