Giải mã hiện tượng ngày càng nhiều người có bằng cấp thất nghiệp- Bài 6:

Sinh viên như con vẹt, học thuộc bài, nói rất hay

Ứng viên lấy dấu vân tay trước khi vào thi tuyển công nhân
Ứng viên lấy dấu vân tay trước khi vào thi tuyển công nhân
TP - Đánh giá về cử nhân thất nghiệp, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) đánh giá một cách thẳng thắn đến bất ngờ.

Giáo dục kiểu “sản xuất văn bằng”

Có ý kiến cho rằng nguyên nhân của thực trạng cử nhân thất nghiệp tràn lan do chất lượng đào tạo của các trường đại học kém, quan điểm của ông như thế nào?

Đây là nguyên nhân cơ bản nhất, đào tạo kém khiến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo không đáp ứng yêu cầu công việc. Cử nhân thất nghiệp nhiều nhưng doanh nghiệp không tuyển được nhân lực cần thiết. Nền kinh tế của nước ta chưa phát triển, học phí thấp tạo điều kiện cho học sinh vào đại học nên các trường đành lấy số lượng đông để bù vào chi phí, cứ có chỉ tiêu là đào tạo theo kiểu sản xuất văn bằng ( “diploma mills”).

Chương trình đào tạo đại học của chúng ta hiện nay chưa phù hợp, cách dạy quá hàn lâm, chuẩn đầu ra có nhưng  không gắn với yêu cầu thực tế của ngành kinh tế, với nhu cầu của thị trường lao động. Nhà trường dạy theo tư duy chủ quan, áp đặt của bên phía “cung”, dạy những gì mình có, thầy có gì thì dạy cho trò như thế, thầy cô thiếu điều kiện và động lực nghiên cứu lấy đâu ra cái mới để dạy học. Sinh viên ra trường thất nghiệp là đương nhiên.

Điều kiện để đảm bảo chất lượng như tài chính, chất lượng giảng viên, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp… còn rất hạn chế. Đa số các trường đào tạo theo kiểu "nói nhiều hành ít", một phương pháp dạy học nặng về “phấn + bảng”, chỉ dạy sinh viên lý thuyết, chưa gắn với thực hành, chưa đào tạo cho học trò năng lực hành nghề. Dạy lý luận suông thì rất dễ, dạy để hình thành năng lực thì khó hơn nhiều.

Ngoài ra, cử nhân thất nghiệp một phần do suy giảm kinh tế, việc làm ít đi, cung vượt quá cầu nên sự cạnh tranh giữa người lao động với nhau rất lớn. Từ đó, xảy ra thực trạng “thái quá về giáo dục” (over educated), tức là ở vị trí chỉ cần lao động ở trình độ thấp nhưng nhà sử dụng lao động vẫn không khó để tuyển người trình độ đại học vào làm việc.

Cuối cùng do tình trạng thiếu minh bạch thị trường lao động. Cung vượt cầu, sự cạnh tranh lớn về vị trí việc làm nên dư luận nghi ngờ về việc người tốt nghiệp dùng tiền chạy chọt để có việc làm là có cơ sở. 

Ông đánh giá như thế nào về cách học của đa số sinh viên hiện nay?

Hệ thống giáo dục đại học, chuyên nghiệp của nước ta đang đào tạo sinh viên giống một “con vẹt”,  học thuộc bài, nói rất hay, thi đánh giá dựa trên lý thuyết nhưng thiếu việc dạy sinh viên cách thực hành. Để làm được điều này cần thay đổi chương trình, thay đổi cả người dạy và người học.

Động lực học tập của sinh viên cũng rất quan trọng. Nhiều sinh viên bước vào đại học nhưng chưa định hướng được tương lai về ngành nghề của mình. Họ cần mảnh bằng hơn là năng lực thực tế. Cử nhân có mảnh bằng nhưng thực chất chưa có trình độ đại học vì không có kiến thức, kỹ năng. Đó là chưa kể nhiều sinh viên mới bước chân từ trường phổ thông vào trường đại học sau những năm tháng căng mình ra để dùi mài kinh sử thì luôn có tâm lý "xả hơi", cường độ học tập chùng xuống, lại không quen với cách dạy của giảng viên đại học, không ít bạn trẻ trở nên lơ là, thiếu động lực phấn đấu.

Nhiệm vụ chính của sinh viên trong trường đại học là học tập, cần đặt mục tiêu rèn luyện năng lực để ra trường kiếm được việc làm, tích cực thu thập, tiếp cận thông tin tri thức mới, nghiên cứu hay trải nghiệm thực tế ở các công ty có ngành nghề theo học. Quỹ thời gian học tập rất eo hẹp, nhưng nhiều sinh viên không thiết tha học tập, dành nhiều vào những hoạt động không gắn với việc học tập, rèn luyện như lướt mạng, chat, game, đánh bài...

 Thậm chí sinh viên khóa trước ra trường, truyền kinh nghiệm cho khóa sau cách học đối phó, phao, chạy chọt thày cô…để qua được môn. Ngoảnh đi ngoảnh lại sau 4, 5 năm nhiều sinh viên không biết học xong mình làm được những việc gì một cách cụ thể với ngành tốt nghiệp. Do vậy khi doanh nghiệp phỏng vấn không thể khoe ra năng lực của mình được và cơ hội việc làm sẽ mãi xa vời.

Làm ngơ trước tiêu cực

“Hệ thống giáo dục đại học, chuyên nghiệp của nước ta đang đào tạo sinh viên giống một con vẹt, học thuộc bài, nói rất hay; thi đánh giá dựa trên lý thuyết, không dạy sinh viên cách thực hành". 

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Giáo dục Chuyên nghiệp

Theo ông, giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên ra trường đáp ứng được công việc?

Giải pháp đầu tiên phải thay đổi, nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên. Hiện, nhiều thầy quá tải, mải mê dạy không để ý đến việc tiếp cận tri thức mới. Thầy dạy theo kiểu “cơm chấm cơm”, lấy giáo trình kiến thức của năm trước dạy cho năm sau. Giảng viên của một số trường được tuyển dụng theo kiểu giữ lại những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ rồi giảng dạy, chưa hề va vấp nhiều thực tế nghề nghiệp. Thậm chí không loại trừ  một bộ phận thầy cô giáo đã không từ chối được cám dỗ vật chất, nhắm mắt làm ngơ trước tiêu cực nơi học đường.

Hơn nữa, một số lượng lớn giảng viên thiếu kinh nghiệm thực tế nên chỉ giảng dạy trên lí thuyết. Chúng ta cứ đổ lỗi cho sinh viên thiếu năng động nhưng đến người thầy đi dạy còn không không có thực tế thì sao sinh viên có điều kiện tiếp cận được. Thầy chỉ có vốn liếng về lí thuyết thì lấy đâu ra bài tập thực tế mà dạy cho sinh viên. Ví dụ, anh dạy cho sinh viên về sửa chữa ô tô chẳng hạn, nhưng anh chưa từng làm, từng sử dụng công cụ sửa chữa thì anh dạy cũng chỉ là dạy kiểu tưởng tượng trên lý thuyết.Anh dạy sinh viên về xây dựng chiến lược marketing trong kinh doanh mà anh chưa bắt tay vào làm cụ thể chiến lược ngoài doanh nghiệp thì việc dạy cũng chỉ là lý thuyết.

Ngoài ra, chất lượng giảng viên hiện nay cũng đáng báo động, tất cả là thạc sĩ, tiến sĩ nhưng trong đó bao nhiêu người sử dụng thành thạo vi tính, ngoại ngữ để tiếp cận thông tin mới trên mạng internet trong bối cảnh xã hội thông tin cập nhật từng ngày từng giờ. Để nâng cao chất lượng đào tạo, trước hết phải từ người thầy tự trang bị đầy đủ kiến thức lý thuyết, thực tế cho mình và cách truyền đạt cho học sinh kiến thức, kỹ năng, cảm hứng, phương pháp tư duy (đến tận cùng vấn đề), phân tích, tổng hợp, xác định vấn đề... Một nhà sư phạm nào đã nói đại ý là nếu bạn muốn dạy một cốc tri thức thì bạn phải có cả một thùng phuy tri thức. Do vậy, người thầy luôn phải học và là yếu tố hết sức quan trọng giúp sinh viên hình thành năng lực.

Hệ thống chúng ta từ nhiều năm quá tập trung đến chất lượng đầu vào mà lại không chú trọng đến quá trình giảng dạy, đo lường đánh giá và kiểm soát đầu ra. Thầy dạy, kiểm tra nghiêm túc, khách quan, công tâm, khi ra trường học trò sẽ có nghề nghiệp. Mọi sự thay đổi đều phải bắt nguồn từ người thầy và người trò. Thay đổi đầu tiên là từ người thầy, thầy là người cầm cân nẩy mực, dạy dỗ trò cho tốt thì chất lượng sẽ tốt.

Ông đánh giá như thế nào về việc đổi mới chương trình giảng dạy đại học cho phù hợp với thực tế?

Chương trình giảng dạy quan trọng nhưng chất lượng do giảng viên quyết định. Chương trình đào tạo hiện này đang dạy nhiều nội dung không góp phần hình thành năng lực, phẩm chất nghề nghiệp của sinh viên. Cần phải có sự đánh giá xem xét lại. Tuy nhiên, chương trình được dạy tạo lớp học lại rất quan trọng.  Ngoại trừ  trang thiết bị, chương trình ở lớp học (classroom curiculum) giống như kịch bản, người diễn là thầy và trò. Kịch bản tốt hay dở, diễn hay hoặc diễn dở sẽ ảnh hưởng đến khán giả. Nếu khán giả không cảm nhận, hấp thụ được trên thực tế thì vở kịch vứt đi.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài sự thay đổi từ bản thân giảng viên, đổi mới phương pháp, chương trình giảng dạy còn phụ thuộc vào môi trường của khoa, đồng nghiệp. Có trường hợp, thầy cô đi tu nghiệp nước ngoài về, mang nhiều tri thức về muốn cống hiên, muốn đổi mới mạnh mẽ nhưng lại gặp không ít khó khăn do không có chút quyền lực hành chính gì (trưởng bộ môn, trưởng khoa) để đổi mới hoặc do đố kỵ giữa các đồng nghiệp nên đành chịu hoặc thậm chí vài ba năm không sử dụng được những gì học được, dẫn đến chán nản và bỏ đi tìm việc nơi doanh nghiệp.

Một điểm cần chú ý là hành vi của người thầy chịu ảnh hưởng khá nhiều ở phong cách của người quản lý cũng như các yếu tố về tài chính, quản trị nhà trường tác động đến việc đổi mới, sự tự chủ của thầy cô.

Trước khi chuyển về làm ở Bộ, tôi từng giảng dạy đại học 20 năm, nổi tiếng là rắn trong hỏi thi sinh viên, có đợt sinh viên bị đánh trượt nhiều Chủ nhiệm khoa gọi lên bảo:“ông dạy thế, sinh viên nào dám vào khoa để học?”. Thiếu người học thì cũng đồng nghĩa với việc giảng viên "thất nghiệp" hoặc thu nhập ít đi!? Thực ra, mình làm "khó" sinh viên với cái tâm mong trò học tốt lên, học hành chăm chỉ để ra trường kiếm được việc làm. Chính đạo đức, lương tâm, trách nhiệm, năng lực của người thầy, dạy sao cho sinh viên ham muốn học tập, truyền lửa cho họ để yêu nghề, học nghề là điều quan trọng. Khi có năng lực, sinh viên có thể tự tạo việc làm cho bản thân, nếu không làm ở Việt Nam có thể làm việc ở  nước ngoài.

Vậy theo ông làm gì để nâng cao chât lượng giảng viên?

Tất cả các khâu đều phải làm đồng bộ để có được một giảng viên tốt từ việc đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng kèm cặp giảng viên trẻ, bồi dưỡng phẩm chất dấn thân vì sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy dẫn đến việc sử dụng, đãi ngộ và tạo môi trường làm việc thoải mái để gieo trồng sáng tạo trong họ.

Bên cạnh đó, nhà trường hãy đẩy mạnh dân chủ, giao nhiều quyền cho giáo viên hơn và đòi hỏi ở họ nhiều hơn trách nhiệm giải trình đi kèm với đó là chế độ lương phù hợp tạo động lực và loại trừ bớt những tiêu cực bủa vây họ hàng ngày hàng giờ. Nhà trường xây dựng các quy chế đánh giá giảng viên với các tiêu chí đánh giá khách quan qua mạng để kịp thời biểu dương giảng viên tốt và xử lý những giảng viên chưa tốt, không loại trừ việc cho một số giảng viên phẩm chất, năng lực yếu ra khỏi ngành. Điều này cũng góp phần thành công của việc đổi mới thi cử ở nước ta hiện nay.

Còn nữa

MỚI - NÓNG